Trong 3 năm (2020-2022) miễn, giảm thuế khoảng 155.000 tỷ đồng cho người dân và doanh nghiệp

Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất nhiều giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ kịp thời và giải quyết khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
dai-bieu-tham-du-toa-dam-1697808877.jpg
Đại biểu tham dự Hội nghị tham gia tọa đàm chính sách hỗ trợ người nộp thuế vượt khó

Tổng cục Thuế cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2020 đến 2022, dịch Covid-19 bùng phát đã tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân bị đình trệ. Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất nhiều giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là những chính sách liên quan đến giãn, giảm, hoàn thuế, tiền thuê đất,... để kịp thời hỗ trợ và giải quyết khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145 nghìn tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233 nghìn tỷ đồng.

Như vậy chỉ trong 3 năm từ 2020 đến 2022, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ DN là hơn 507.000 tỷ đồng, trong đó số tiền thuế được gia hạn là trên 352.000 tỷ đồng, và số tiền thuế được miễn, giảm là khoảng 155.000 tỷ đồng. Đây là khoản Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp giảm nghĩa vụ tài chính, ổn định sản xuất kinh doanh.

Với gói hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, có thể thấy Nhà nước đã phản ứng chính sách nhanh đưa ra các chương trình hỗ trợ hết sức kịp thời, đồng bộ và nhanh chóng đi vào cuộc sống, từ đó đã góp phần quan trọng trong sự phục hồi, sự phát triển mạnh mẽ và đóng góp quan trọng thúc đẩy sự chuyển mình và cất cánh của nền kinh tế trong nước sau đại dịch.

Hơn thế, các chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp là những quyết sách dài hơi, có tầm nhìn xa trông rộng, bởi vì đổi lại, nhờ hỗ trợ kịp thời, doanh nghiệp có thêm vốn để đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế vĩ mô tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất Đông Nam Á.

Cùng với việc thực thi các gói giải pháp tài chính hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, ngành Thuế tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, cung cấp dịch vụ thuế điện tử chất lượng cao cho người nộp thuế. Đáng chú ý là quá trình chuyển đổi toàn diện từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử. Sau gần 2 năm từ ngày triển khai hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc, đã có trên 851 ngàn doanh nghiệp và trên 65 ngàn hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đã đăng ký chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định; cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý trên 5 tỷ hóa đơn điện tử.

Ngành thuế cũng đã triển khai thành công Cổng thông tin điện tử phục vụ người nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử, qua đó đến hết tháng 9/2023, đã có 62 nhà cung cấp nước ngoài thực hiện các thủ tục thuế qua Cổng, trong đó có 06 tập đoàn công nghệ gồm Facebook, Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple. Tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài nộp qua Cổng hơn 9 nghìn tỷ đồng. Kết quả này đưa Việt Nam trở thành một trong 4 nước đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài; khẳng định chủ quyền quản lý thuế của quốc gia đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử dựa trên nền tảng số xuyên biên giới./.

Vô Thường