Công nhân lao động phải được bảo đảm cuộc sống - sống để làm việc

Đó là nhận định của TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn tại Hội thảo Khoa học Tăng lương và vấn đề ổn định thị trường lao động, phát triển sản xuất, kinh doanh do Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) tổ chức chiều 26/4.
4-3-1651049890.jpg
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cùng các đại biểu trao đổi tại Hội thảo. (Ảnh: Báo Lao động Thủ đô)

Tại hội thảo, TS Vũ Minh Tiến nhận định: Chỉ khi tiền lương được quan tâm và tương xứng với năng suất, sự cống hiến của công nhân lao động (CNLĐ) thì mới động viên và yêu cầu họ làm việc với năng suất, chất lượng, hiệu quả và mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn hơn cho doanh nghiệp (DN), cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Theo TS Vũ Minh Tiến, tiền lương với CNLĐ phải là yếu tố đi trước. Nhưng thực tiễn thực hiện thì CNLĐ có việc làm, cuộc sống bấp bênh từ hậu quả lương thấp.

Thực tế cho thấy, 2 năm đại dịch Covid-19, nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân lao động chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng. Với số tiền lương đó các gia đình công nhân đều rơi vào khó khăn, vất vả.

Năm 2020, có tới 66% CNLĐ hiện đang phải thuê nhà trọ để ở, trong đó, gần 4% phải ở nhà thiếu kiên cố hoặc nhà đơn sơ, với điều kiện chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, tiện nghi sinh hoạt; 23% CNLĐ đang phải dùng nguồn nước giếng đất, giếng khoan…

Năm 2021, qua khảo sát, có 5% người được hỏi cho biết rất ít khi trong bữa ăn của họ có thịt cá (chỉ khoảng 1-2 lần/tuần) và 34% cho biết thỉnh thoảng (3 lần thịt cá/tuần); 41% cho biết, họ chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản. Họ không dám đi khám bệnh vì không có tiền.

Để bảo đảm cuộc sống, 11,2% người lao động cho biết, hằng tháng phải vay tiền; 35,6% người lao động thỉnh thoảng (từ 3 đến 4 tháng/lần) phải đi vay. Hơn 21% số người được khảo sát cho biết, họ từng rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

“Do vậy, CNLĐ phải được bảo đảm cuộc sống - sống để làm việc, chứ không phải làm việc để sống và họ cần được bảo đảm tiền lương để chi trả cuộc sống bản thân và gia đình”, ông Tiến nhấn mạnh.

Theo số liệu thống kê của Viện Công nhân và Công đoàn (CNCĐ) cho thấy, CNLĐ trong doanh nghiệp hiện nay chỉ chiếm khoảng 15% dân số và khoảng 27% lực lượng lao động xã hội, nhưng đã đóng góp trên 75% ngân sách và trên 65% GDP của cả nước.

PGS.TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho rằng, không nên lùi thời điểm tăng lương cho người lao động. “Đời sống của công nhân đã đến đáy. Nếu lúc này chúng ta không đề nghị tăng lương tối thiểu cho người lao động thì không còn lúc nào để nói về giai cấp công nhân. Đây là trách nhiệm của chúng ta, là lương tâm của chúng ta. Mỗi người hãy nói lên tiếng nói của mình để không còn ai phản đối tăng lương tối thiểu cho người lao động từ 1/7/2022. Phải giải quyết được vấn đề tiền lương mới ngăn chặn vấn đề chảy máu chất xám”, ông Thọ nhấn mạnh.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo đảm việc làm, nâng cao mức sống và từng bước cải thiện điều kiện làm việc của CNLĐ. Tuy nhiên, còn đó nhiều vấn đề bức xúc, cấp bách kéo dài mà chưa được quan tâm, giải quyết thỏa đáng.

Tạ Nhị (t/h)