Tiền Giang xuất khẩu lô dừa tươi đầu tiên sang Trung Quốc tiếp tục khẳng định vị thế 'thủ phủ' trái cây

Được mệnh danh "thủ phủ" trái cây, Tiền Giang cũng là tỉnh có diện tích trồng dừa lớn trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long với hơn 21.600ha, sản lượng mỗi năm khoảng 234.000 tấn quả và đang không ngừng mở rộng. Tiền Giang đã có nhiều cơ chế ưu đãi, cách làm mới giúp thúc đẩy hoạt động trồng và chế biến dừa trên địa bàn tỉnh.

Lô dừa tươi xuất khẩu của tỉnh Tiền Giang với quy mô 3 container và số lượng gần 70 tấn dừa tươi được xuất bến ngày 24/10 tại Hợp tác xã Hưng Thịnh Phát (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang).

xuat-khau-dua-tuoi-sang-trung-quoc-4-1729778738.jpg
Cắt băng cho chuyến xe đầu tiên vận chuyển dừa tươi xuất khẩu sang Trung Quốc. (Ảnh BTC)

Sự kiện lô dừa tươi đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc do Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang phối hợp cùng Công ty Cổ phần FADO iExport tổ chức.

Được biết, mặt hàng dừa tươi xuất khẩu là mặt hàng có yêu cầu cao trong quá trình vận chuyển. Quả dừa phải được bảo quản lạnh ổn định 2-3 độ C, độ ẩm 30% trong suốt quá trình vận chuyển.

Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu dừa sang Trung Quốc, Công ty cổ phần Proship đã xây dựng và cung cấp ra thị trường giải pháp vận chuyển dừa tươi bằng container lạnh tự hành thế hệ mới, bảo đảm ổn định nhiệt độ và độ ẩm trong suốt hành trình.

Giải pháp này nhằm giữ chất lượng trái dừa tươi khi sang đến Trung Quốc không bị suy giảm, góp phần nâng cao chất lượng nông sản Tiền Giang và giảm thiểu rủi ro trong xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.

xuat-khau-dua-tuoi-sang-trung-quoc-2-1729778795.jpg
Ký kết hợp tác giữa đơn vị xuất và nhập khẩu dừa. (Ảnh BTC)

Thông tin tại sự kiện, ông Phạm Văn Trọng - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang cho biết, đây là sự kiện quan trọng đối với địa phương trong nỗ lực xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng trái cây chủ lực chính ngạch đi thị trường các nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Để đảm bảo chất lượng và uy tín nông sản xuất khẩu chính ngạch của tỉnh Tiền Giang cũng như đạt mục tiêu xuất khẩu bền vững, ông Phạm Văn Trọng yêu cầu các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị, giải quyết đầu ra sản phẩm gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất theo hướng hữu cơ, sản xuất nông nghiệp xanh bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe và môi trường…

xuat-khau-dua-tuoi-sang-trung-quoc-3-1729778830.jpg
Dừa tươi sau khi được gọt vỏ sẽ được vận chuyển vào khâu đóng gói để vận chuyển lên chuyến xe đầu tiên sang Trung Quốc. (Ảnh BTC)

Tiền Giang có diện tích trồng dừa hơn 21.600ha và là tỉnh có diện tích lớn thứ 3 trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sau Trà Vinh và Vĩnh Long.

Những năm qua, Tiền Giang đã có nhiều cơ chế ưu đãi, cách làm mới giúp thúc đẩy hoạt động trồng và chế biến dừa trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục hỗ trợ về chính sách nhân rộng các mô hình hay, mang lại giá trị kinh tế lớn để thúc đẩy ngành công nghiệp dừa tại địa phương phát triển mạnh mẽ, giúp bà con nông dân tăng thu nhập và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, đóng góp lớn vào mục tiêu đưa cây dừa Việt Nam thành cây xuất khẩu tỷ đô trong thời gian tới.

Là đơn vị liên kết tổ chức xuất khẩu lô dừa tươi đầu tiên sang Trung Quốc, Công ty Cổ phần FADO iExport (FADO) cho biết: Để đáp ứng nhanh nhu cầu mua hàng của đối tác Trung Quốc, FADO phối hợp cùng Hợp tác xã Hưng Thịnh Phát, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, tổ chức phối hợp xuất khẩu dừa tươi.

xuat-khau-dua-tuoi-sang-trung-quoc-5-1729778900.jpg
Chuyến xe đầu tiên vận chuyển dừa tươi Tiền Giang xuất khẩu sang Trung Quốc. (Ảnh BTC)

Từ tháng 8/2024, dừa tươi Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Các doanh nghiệp nhanh chóng tận dụng cơ hội này. Thoogn tin từ Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết, nhiều đơn vị lớn đã ký được hợp đồng xuất khẩu 30-50 container, thậm chí có doanh nghiệp ký đơn hàng cung ứng 1.500 container sang Trung Quốc.

Việt Nam hiện có khoảng 200.000 ha dừa, đứng thứ 7 trong 93 quốc gia trên toàn cầu. Khoảng một phần ba diện tích trồng dừa của Việt Nam đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ và châu Âu, chủ yếu tại các tỉnh Duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long (Trà Vinh, Bến Tre). Điều này tạo lợi thế lớn cho xuất khẩu loại quả này./.

Bình Nguyên