Gần 1.300 phương tiện được gắn thiết bị giám sát hành trình
Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có đoàn tàu hoạt động trên biển gần 1.300 phương tiện với tổng công suất gần 400 nghìn CV, hơn 9.200 thuyền viên hoạt động trực tiếp trên tàu; năng lực khai thác hải sản của đoàn tàu Tiền Giang đứng 11/28 địa phương có biển trong cả nước. Loại nghề khai thác phát triển mạnh nhất của đoàn tàu Tiền Giang là lưới kéo và lưới vây kết hợp ánh sáng, chủ yếu hoạt động ở ngư trường ở vùng biển Đông Nam Bộ, Trường Sa, DK1.
Thời gian qua, nhờ phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng và chính quyền các địa phương trong công tác tác tuyên truyền, quản lý tàu cá, kiểm tra kiểm soát chặt việc xuất nhập bến, khu vực ranh giới biển nên trong quá trình khai thác biển các ngư dân luôn tuân thủ quy định của nhà nước cũng như quy định về chống khai thác IUU, không vi phạm vùng biển của nước ngoài.
Gần 100% tàu cá đã gắn thiết bị giám sát hành trình, có đăng ký, đăng kiểm đúng quy định; thực hiện tốt, đúng quy định công tác xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, triển khai đồng bộ phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử thủy sản khai thác, nhật ký khai thác thủy sản điện tử nhằm minh bạch thông tin tại địa phương; triển khai thực hiện tốt Luật thủy sản năm 2017 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Thuỷ sản.
Từ năm 2023 đến nay, tỉnh Tiền Giang không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài do khai thác hải sản trái phép bị bắt giữ. Ông Nguyễn Văn Mẩn, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Tiền Giang cho rằng: "Nhờ có sự tập trung cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các ngành, các cấp và địa phương nên công tác tuyên truyền nên ý thức chấp hành pháp luật trong khai thác thủy sản ngày một nâng lên. Tất cả tàu tham gia khai thác xa bờ đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và duy trì khi hoạt động, công tác cập rời cảng chấp hành tốt, bảo đảm thủ tục đầy đủ khi đi khai thác, ghi nhật ký khai thác đã trở thành quen thuộc đối với bà con ngư dân khai thác...".
Đẩy mạnh tuyên truyền chống khai thác IUU
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, trong những năm qua, ngành thủy sản tỉnh Tiền Giang đã không ngừng vượt khó, vươn lên phát triển, quy mô sản xuất tăng mạnh cả về khai thác và nuôi trồng thủy sản.
Hiện nay, tỉnh Tiền Giang có diện tích nuôi trồng thủy sản (lợ, mặn) là hơn 10.000ha, đứng thứ 19 cả nước; số lượng tàu khai thác thủy sản đứng thứ 17/28 tỉnh, thành phố có biển; sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản trên 350.000 tấn/năm, đứng thứ 10 cả nước.
Kinh tế thủy sản tỉnh Tiền Giang trong những năm qua đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và quá trình phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Từ khi Luật thủy sản năm 2017 có hiệu lực, Tiền Giang cùng với cả nước tập trung quyết liệt trong công tác tuyên truyền, quản lý chuyển đổi từ nghề cá truyền thống sang nghề khai thác có trách nhiệm và phát triển bền vững.
Địa phương đã xây dựng chương trình truyền thông chống khai thác thủy sản bất hợp pháp thực hiện theo Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai tốt Luật Thủy sản năm 2017 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Thủy sản.
Ngư dân Diệp Hoàng Minh, thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) có 10 năm đánh bắt thủy sản trên vùng biển Đông Nam Bộ cho biết: “Nhờ công tác tuyên truyền thường xuyên, liên tục của các cơ quan chức năng về thủ tục xuất nhập bến, khu vực ranh giới biển nên trong quá trình đánh bắt trên biển, tôi cùng các ngư dân khác luôn tuân thủ quy định của nhà nước cũng như quy định về chống khai thác IUU, không vi phạm vùng biển của nước ngoài. Khi tàu hoạt động, chúng tôi luôn mở máy giám sát hành trình 24/24 để cơ quan chức năng giám sát”.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, nhờ có sự tập trung của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các ngành, các cấp và địa phương trong công tác tuyên truyền nên ý thức chấp hành pháp luật trong khai thác thủy sản của ngư dân ngày một nâng lên.
Tất cả tàu tham gia khai thác xa bờ đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và duy trì khi hoạt động. Công tác cập rời cảng chấp hành tốt, bảo đảm thủ tục đầy đủ khi đi khai thác như giấy tờ đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác, ghi nhật ký khai thác đã trở thành quen thuộc đối với bà con ngư dân.
Điều này giúp cho địa phương hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ chống khai thác IUU theo kế hoạch, với tinh thần sẵn sàng cùng cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” EC trong thời gian sớm nhất./.