Chống khai thác IUU vừa là thể diện quốc gia và tạo sinh kế bền vững cho ngư dân

“Chống khai thác IUU là tiền đề để cấu trúc lại nghề cá minh bạch, trách nhiệm và phát triển bền vững. Hành động ở đây không phải để đối phó mà là hành động cho chúng ta nhiều hơn, đây là lúc các địa phương chứng tỏ sự đóng góp của mình trong việc cải thiện hành ảnh của quốc gia chứ không chỉ là vấn đề đơn thuần là gỡ “thẻ vàng” thủy sản, chống khai thác IUU”.

Trên đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan về nỗ lực của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU.

the-vang-thuy-san-01-1714464947.jpg
Sau gần 7 năm bị Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo "thẻ vàng" đối với thủy sản, những nỗ lực gỡ "thẻ vàng" của Việt Nam từng bước được cải thiện. (Ảnh minh họa)

Những nỗ lực gỡ "thẻ vàng" của Việt Nam được hiện thực hóa

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, sau gần 7 năm bị Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo "thẻ vàng" đối với thủy sản, những nỗ lực gỡ "thẻ vàng" của Việt Nam từng bước được cải thiện.

Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và mới đây nhất là Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư cho thấy, chống khai thác IUU đã có sự chỉ đạo xuyên suốt từ Đảng, Nhà nước. Vấn đề hiện nay là việc thực thi ở các cấp độ của các địa phương, đây cũng là khuyến nghị của Đoàn thanh tra EC qua thực tế kiểm tra ở các địa phương trong thời gian qua.

Những khuyến cáo của EC và những điều cấm trong chống khai thác IUU đều được quy định trong Luật Thủy sản năm 2017. Dẫn chứng vụ việc đưa tàu qua vùng biển nước khác đánh bắt hải sản trái phép đã được tỉnh Kiên Giang xử lý hình sự, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, với cơ sở pháp lý đầy đủ và sự đồng thuận từ các cơ quan Trung ương, nếu các địa phương quyết tâm vào cuộc sẽ chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm, góp phần chống khai thác IUU.

the-vang-thuy-san-02-1714464935.jpg
Cán bộ Đồn Biên phòng Bến Đá, BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu và các đơn vị tuyên truyền chống khai thác IUU, trao tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. (Ảnh: Quang Anh)

“Chống khai thác IUU là tiền đề để cấu trúc lại nghề cá minh bạch, trách nhiệm và phát triển bền vững. Hành động ở đây không phải để đối phó mà là hành động cho chúng ta nhiều hơn, đây là lúc các địa phương chứng tỏ sự đóng góp của mình trong việc cải thiện hành ảnh của quốc gia chứ không chỉ là vấn đề đơn thuần là gỡ “thẻ vàng” thủy sản, chống khai thác IUU” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Trong nhiều năm qua, những âu tàu tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa được xây dựng đồng bộ, cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề biển góp phần đồng hành cùng ngư dân vươn khơi đánh bắt hải sản, khẳng định chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Quá trình tàu cá neo đậu tại âu tàu giữa Trường Sa, các chiến sĩ hải quân cùng các lực lượng trên biển cũng thường xuyên kết hợp công tác dân vận, tuyên truyền các chính sách pháp luật về biển đảo đến từng ngư dân.

Vừa bảo vệ vừa tuyên truyền nâng cao nhận thức ngư dân

Điển hình vào cuối tháng 3/2024, tại Đảo Trường Sa, Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) phối hợp với Đồn biên phòng 394, Biên phòng tỉnh Khánh Hòa; Trung tâm dịch vụ Hậu cần - kỹ thuật Âu tàu Trường Sa... tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khai thác thủy sản, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp góp phần tháo gỡ “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với Việt Nam cho 86 tàu cá, 345 ngư dân khi vào neo đậu tại âu tàu.

Trung tá Trần Quang Phú - Chỉ huy trưởng Đảo Trường Sa đã thông tin về tình hình khai thác thủy sản bất hợp pháp của ngư dân Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời giải đáp các thắc mắc của ngư dân về thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ chi phí nhiên liệu khi ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ.

Trung tá Trần Quang Phú cho biết, tại buổi tuyên truyền, đoàn công tác đã đã phát hơn 550 tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân đánh bắt thủy, hải sản an toàn, bền vững trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, tặng 100 lá cờ Tổ quốc, 50 áo phao cho ngư dân.

“Các hoạt động giúp cho nhân dân trên đảo và ngư dân nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm về khai thác thủy sản theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế” - Trung tá Trần Quang Phú chia sẻ.

the-vang-thuy-san-03-1714465040.jpg
Cán bộ Đồn Biên phòng Trà Cổ tuyên truyền chống khai thác hải sản bất hợp pháp cho ngư dân vùng biển Trà Cổ (Quảng Ninh). Ảnh: Xuân Nguyên

Ông Nguyễn Thế Hiệp Dũng - Thuyền trưởng tàu KN471 thông tin thêm, trên vùng biển Trường Sa chủ yếu là các tàu cá khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ, dài ngày.

Khi phát hiện tàu cá có dấu hiệu vi phạm trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, tàu thực hiện bám sát, theo dõi, tiếp cận để tuyên truyền, ngăn chặn và lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính khi cần thiết, bàn giao cho các cơ quan chức năng xử lý. Qua đó, chung tay cùng các cấp, ngành thực hiện phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Theo lãnh đạo chi đội, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên biển, các tàu của chi đội thường xuyên phổ biến các nội dung trong quy định của pháp luật về khai thác hải sản, cấp phát hàng nghìn tờ rơi cho ngư dân... Qua đó, giúp ngư dân nâng cao nhận thức trong quá trình hành nghề trên biển.

Ông Nguyễn Minh Lành - Chi đội trưởng Chi đội Kiểm ngư số 4 cho biết, với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra ngày càng cao và phức tạp, đơn vị luôn xác định tư tưởng kịp thời phát hiện, bình tĩnh, xử lý linh động có hiệu quả, đúng đối sách với các tình huống trên biển, không để bị động, bất ngờ./.

Bình Châu