Tictok: Ma túy đá phiên bản kỹ thuật số

Theo một báo cáo gần đây từ BuzzFeed News, các nhân viên của ByteDance tại Trung Quốc đã liên tục truy cập vào thông tin cá nhân của hàng chục triệu người dùng TikTok ở Mỹ. Không thể tin tưởng những người đứng sau ứng dụng này.
trao-luu-doc-hai-tiktok-1-1663990100.jpg

Ngoài ra, bản thân TikTok rất nguy hiểm. Giống như một loại thuốc phiện bất hợp pháp, gây nghiện cao, nền tảng được ví như “ma túy đá phiên bản kỹ thuật số” này đã hủy hoại cuộc sống của con người. Tỷ phú Elon Musk từng đặt câu hỏi rằng liệu TikTok có dẫn đến sự sụp đổ của nền văn minh hay không? Khi nghe đến từ “nghiện”, hình ảnh nào xuất hiện trong tâm trí bạn? Một quán rượu trải dài trên vỉa hè, xung quanh là những vỏ chai? Một người nghiện ma túy, vô gia cư và lạc lối trong vô vọng? Hay một người lãng phí hàng giờ, hàng tuần, hàng tháng và thậm chí hàng năm cuộc đời của họ chỉ để “lướt” mạng xã hội?

Sử dụng mạng xã hội quá mức cũng tương đương với nghiện ma túy. Tất nhiên, không phải tất cả các loại ma tuý đều giống nhau. Một số có liều mạnh hơn những loại khác. Điều tương tự cũng xảy ra với các nền tảng truyền thông xã hội. Trong số tất cả các nền tảng hiện có, TikTok dường như là nền tảng tệ hại nhất.

Người dân Mỹ đang bị tổn thương. Tình trạng nghiện ma túy đang ở mức cao nhất mọi thời đại, với khoảng 33 triệu công dân bị ảnh hưởng bởi lạm dụng chất kích thích. Lạm dụng ma túy làm thay đổi não bộ; nó tấn công hệ thống thần kinh trung ương, điều khiển suy nghĩ, hành động, hành vi và cảm xúc của chúng ta. Cụ thể, ma tuý tác động trực tiếp đến não bộ. Sau vài lần tiếp xúc với một số hoạt chất nhất định, não bộ bắt đầu điều chỉnh để thích ứng với sự gia tăng của dopamine. Một khi người ta bước chân vào con đường nguy hiểm này, thì việc quay trở lại là vô cùng khó khăn.

Các phương tiện truyền thông xã hội vận hành tương tự như rượu và các loại ma túy, heroin và cocaine. Các ứng dụng như Snapchat, Instagram, Facebook và Twitter cũng tồn tại vấn đề. Tuy nhiên TikTok, ứng dụng được tạo ra bởi ByteDance, thậm chí còn tệ hơn nữa. Trên thực tế, nền tảng này đã được gắn nhãn là trang web truyền thông xã hội “gây nghiện nhất”, trong đó những người trẻ tuổi dành trung bình 12 giờ 12 phút cho ứng dụng mỗi tuần, tức là tương đương với hơn 2 ngày/tháng, 24 ngày/năm.

Từ năm 2019 đến năm 2021, TikTok đã tăng hơn gấp đôi số lượng người dùng trên toàn thế giới (từ 291,4 triệu lên 655,9 triệu). Đến năm 2025, dự kiến sẽ có ít nhất 1 tỷ người dùng. Có khoảng ít nhất 80 triệu người Mỹ sử dụng TikTok, chiếm gần 1/4 dân số. Thêm vào đó, 57% người dùng TikTok là nữ, hầu hết trong số họ là thanh thiếu niên. Theo một nghiên cứu, việc sử dụng mạng xã hội làm tổn thương trẻ em gái nhiều hơn trẻ em trai. Tuy nhiên, không phải tất cả các nền tảng mạng xã hội đều gây ra tác hại như nhau. Nếu Facebook được ví như cỏ dại, thì TikTok là ma túy đá (crack cocaine).

TikTok đã được ví như ma tuý đá phiên bản kỹ thuật số (digital cocaine crack) vì nhiều lý do. Nó gây nghiện một cách nguy hiểm. Ứng dụng này có vấn đề đến nỗi mà các nhà khoa học gần đây đã đặt phải ra thuật ngữ “TikTok addiction (nghiện TikTok)”. Người dùng không chỉ sử dụng TikTok mà họ còn trở nên phụ thuộc vào nó. Sự phụ thuộc là cơ sở của mọi chứng nghiện. Người dùng, từ việc có thể kiểm soát được, dần dần đánh mất bản thân mình trước chất gây nghiện cực mạnh này. Bằng nhiều cách khác nhau, những người sử dụng Tiktok dần trở thành người bị sử dụng. Thứ ma túy này sẽ ra lệnh cho mọi cử động, suy nghĩ cũng như hành vi của họ.

Gần đây, một nhóm các nhà nghiên cứu, dẫn đầu bởi Troy Smith, nhà khoa học tại Đại học Trinidad và Tobago, đã phân tích dữ liệu từ hàng trăm sinh viên đại học. Sau đó, họ đo lường 6 thành phần của chứng nghiện: khả năng phục hồi, thay đổi tâm trạng, khả năng chịu đựng, cai nghiện, xung đột và tái nghiện. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người dùng TikTok bị ảnh hưởng nặng nề nhất đã đạt điểm cao hơn trong các phép đo mức độ cô đơn.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ PsyPost, ông Smith cho hay: “Việc lạm dụng có các hành vi giống như nghiện ngập, có nguy cơ tác động tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày của những người mắc phải hội chứng này”. Từ năm 2020, TikTok trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên thế giới. Kể từ đó, đại diện của Paracelsus Recovery, phòng khám chữa bệnh tâm thần và cai nghiện ở London, nói với tờ BBC rằng họ đã chứng kiến một “sự bùng nổ” của các khách hàng trẻ tuổi có dấu hiệu nghiện TikTok. Trong 12 tháng qua, số lượt người dùng nghiện TikTok đã tăng “gấp 5 lần”.

Người sáng lập của phòng khám, Jan Gerber, cho rằng TikTok có thể được so sánh với các loại ma túy đá. Ông nói: “Nó có tác động đến quá trình sinh hóa của não bộ rất giống với các loại ma túy đá. TikTok có tác động nghiêm trọng đến hạnh phúc cá nhân, cuộc sống hàng ngày và hiệu suất lao động của người dùng”. Bên cạnh việc đánh cắp dữ liệu riêng tư của người dùng, ứng dụng này còn lấy đi hạnh phúc của họ. Ra mắt vào năm 2016 bởi ByteDance, gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Bắc Kinh, TikTok đã bị cấm ở Trung Quốc. Thay vào đó, người dùng Trung Quốc có thể truy cập Douyin, phiên bản gốc của TikTok.

Ở Trung Quốc, trẻ em được phép sử dụng ứng dụng này không quá 40 phút/ngày và bị nghiêm cấm dùng qua đêm. Do đó, ngay cả khi một đứa trẻ sử dụng ứng dụng này 40 phút/ngày, thì con số trung bình vẫn dưới 5 giờ/tuần, thật quá nhỏ bé so với con số 12 giờ 12 phút thời lượng sử dụng trung bình ở Mỹ. Không giống như nội dung xuất hiện trên Douyin, có tính chất nhẹ nhàng, TikTok chứa đầy nội dung gây tranh cãi, với việc người dùng được khuyến khích nín thở cho đến khi họ ngất đi, phô diễn cơ thể theo hình thức khiêu dâm hay lái xe một cách liều lĩnh.

TikTok rất nguy hiểm. Nó gây nghiện. Và giống như tất cả các loại ma túy nguy hiểm, nó hủy hoại cuộc sống của con người. Câu hỏi đặt ra là, tại sao ứng dụng này vẫn được phép hoạt động tại Mỹ và nhiều quốc gia khác./.