Quảng cáo #128

Lão nông thương binh nuôi loài vật vốn có tên trong sách Đỏ

Sau nhiều lần nuôi các loài vật nuôi khác nhau, ông Hoàng Văn Thường, cựu chiến binh ở thôn Kim Sơn (xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đã nuôi chim Trĩ - một loài chim có tên trong sách đỏ. Mỗi năm bán ra thị trường từ 15 - 20 cặp chim Trĩ giống thu về 70 - 80 triệu đồng.
chim-tri-4-1733476504.JPG
Thương binh Hoàng Văn Thường, nuôi loài chim vốn có tên trong sách đỏ.

Chim trĩ đỏ không nằm trong Danh mục các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nên được phép nuôi. 

Nuôi chơi thành nuôi thật

Sau gần 14 năm tham gia vào quân ngũ, chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Năm 1982, ông Hoàng Văn Thường phục viên về địa phương với chế độ thương binh, ông cùng vợ làm ăn, sau đó 6 người con lần lượt ra đời.

Ông Thường nhớ lại: Thời điểm tôi xuất ngũ, về quê cuộc sống rất khó khăn. Hai vợ chồng khai hoang khắp nơi để trồng khoai trồng khoai, sắn nuôi con. Sau đó, tôi mua được một con bò cái để cày ruộng. Sau đó con bò đẻ con và phát triển dần lên đàn bò 10 con. Sau đó, thấy bò chậm phát triển hơn nên tôi bán hết đàn bò để chuyển sang nuôi trâu. Thời đó, cũng nhờ chăn nuôi trâu bò mà vợ chồng tôi nuôi được 6 người con ăn học. Khi con cái trưởng thành, sức khỏe ông bà cũng yếu dần nên ông bà không chăn nuôi trâu bò nữa mà chuyển sang trồng cây, nuôi gà.

Nói về cơ duyên với chim Trĩ, ông Thường chia sẻ, ban đầu thấy chim Trĩ đẹp nên ông muốn phát triển để làm cảnh. Sau khi tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông biết được chim Trĩ dễ nuôi, thịt chim Trĩ là thực phẩm giàu dinh dưỡng. Năm 2018, trong một lần có dịp đi ra miền Bắc, chứng kiến mô hình nuôi chim Trĩ làm cảnh rất đẹp mà hiệu quả, ông về sũy nghĩ, tìm hiểu thêm về kỹ thuật. Năm 2019, ông đã quyết định mua 6 cặp chim giống với giá 30 triệu đồng về nuôi.

ccb-nuoi-chim-tri-1733476538.JPG

Ông Thường chia sẻ về cơ duyên nuôi chim Trĩ.

Để nuôi chim Trĩ, ông Thường đã dành 100 m2 đất vườn làm các ô chuồng kiên cố, liền kề nhau. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc chim nên ông phải dành nhiều thời gian tìm hiểu kỹ thuật thông qua việc tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình ở nhiều địa phương khác, sau đó áp dụng vào thực tế.

Ông Thường cho biết: Chim Trĩ vốn là loài dễ nuôi, nhưng đây cũng là động vật nhạy cảm, sức đề kháng kém, do vậy, bên cạnh việc lựa chọn con giống đảm bảo, cần vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi hằng ngày, thức ăn, đặc biệt là chúng cũng cần tiêm phòng đầy đủ như gà, vịt. Chuồng nuôi phải thoáng mát.

Sau 2 năm chăm sóc, lứa chim Trĩ đầu tiên của ông Thường bắt đầu sinh sản và ông đã đầu tư thêm lò ấp để cho nở con và nhân đàn.

img-8701-1733477091.JPG
Chim Trĩ là loài chim có tên trong sách đỏ, nay được cấp phép để nuôi.

Chi phí thấp, thu nhập khá

Ông Thường tâm sự: Ban đầu thấy giống chim Trĩ có màu đẹp nên tôi chỉ nghĩ phát triển để làm cảnh. Nhưng sau một thời gian, chim phát triển tốt, chim cái đẻ trứng đều, tôi đã cho ấp và tỷ lệ nở đạt trên 60%.  Chim con sinh ra khỏe mạnh, thích nghi tốt, nhanh lớn. Năm đó, tôi đã nhân giống lên được 15 cặp và  tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại lên 300 m2 bằng cách cải tạo lại chuồng nuôi gà để nuôi chim Trĩ.

Đến năm thứ 3, mô hình chim Trĩ bắt đầu đem lại thu nhập ổn định cho gia đình ông khi các lứa chim con ra đời, được chăm sóc phát triển tốt, nhiều khách hàng biết đến và hỏi mua.

Chim Trĩ đẻ trứng mỗi năm 1 lứa tập trung vào tháng 5 đến tháng 6, sau khi ấp nở, con giống ở độ tuổi từ 1 - 3 tháng được bán ra với giá 1,6 triệu đồng/cặp; từ 4 - 7 tháng tuổi có giá 2,2 triệu đồng/cặp. Chim trưởng thành khoảng 2 năm, trọng lượng 1,5 - 2kg/con có giá 6 triệu đồng/cặp.

Tính đến nay, ngoài tăng đàn giữ lại nuôi gần 200 con,  mô hình nuôi chim Trĩ của ông Thường đã xuất bán được trên 25 cặp, mang về doanh thu hơn 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng.

chim-tri-5-1733476531.jpg

Đàn chim Trĩ giống của ông Thường.

Cũng theo ông Thường, nuôi chim Trĩ chi phí đầu tư thấp, bởi loài chim này ăn ít, chủ yếu ăn các nguyên liệu có sẵn như: ngô nghiền, lúa, cám, rau muống, thân cây chuối,... Mỗi ngày, vệ sinh chuồng nuôi, cho chim ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều tối để đảm bảo chim phát triển khoẻ mạnh, thay lông đẹp.

Nuôi chim Trĩ không tốn nhiều diện tích, chuồng nuôi chim trĩ cũng dễ làm, ít tốn chi phí, mỗi ô chuồng rộng khoảng 2m2, được bao xung quanh bằng lưới thép, phía trên có lợp mái tránh chim bay ra ngoài. Phía trong chuồng bắc các thanh gỗ hay cành cây ngang cho chim đậu. Phía dưới trải cát để chuồng trại luôn sạch sẽ, khô ráo, thấm  nước tốt và hạn chế dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường. Bên trong là các ô chuồng chắc chắn, mỗi ô thả nuôi khoảng 5 - 7con.

Hiện tại, việc tiêu thụ chim Trĩ của ông Thường đang khá thuận lợi. Nhất là từ khi nuôi chim Trĩ, ông Thường sử dụng máy điện thoại thông minh, tham gia nhiều hội nhóm và lập trang facebook để quảng bá, giới thiệu nên được nhiều khách hàng biết đến và hỏi mua rất nhiều.

chim-tri-2-1733476505.JPG

Mỗi năm, việc bán chim ông Thường thu về hơn 80 triệu đồng.

Ông Thường bật mí: Thông qua mạng xã hội, tôi bán chim Trĩ cho các khách hàng khắp cả nước, như ở các tỉnh: Bắc Ninh, Hà Nội, Khánh Hoà, Quảng Ngãi.... Khách hàng mua chim Trĩ chủ yếu để chơi cảnh, một số hộ gia đình mua giống để phát triển chăn nuôi. Hiện tại, lượng chim Trĩ giống không đủ để cung cấp nên thời gian tới, tôi vẫn tiếp tục mở rộng quy mô nhằm đáp ứng nhu cầu chim thương phẩm khá rộng mở của thị trường. Tăng số lượng chim bố mẹ để cung cấp con giống.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Thừa Minh - Chủ tịch hội CCB UBND xã Kỳ Bắc nói: ông Hoàng Văn Thường, là một CCB luôn gương mẫu tại địa phương. Ông đã mạnh dạn nuôi thử nghiệm chim Trĩ, qua theo dõi đánh giá, đây là mô hình mới nhưng cho hiệu quả kinh tế khá cao. So với chăn nuôi gà, chăn nuôi lợn rõ ràng thu nhập mang lại cao và ổn định, không gây ô nhiễm môi trường, trong khi đó không tốn quá nhiều chi phí và công chăm sóc, phù hợp với phát triển kinh tế nông hộ. Đây cũng là mô hình để nhiều CCB nói riêng cũng như người dân học tập, nhân rộng để phát triển kinh tế gia đình./.

Nguyễn Duyên