Hiện nay, hệ thống giao thông kết nối từ TP. Huế và thị trấn Phú Đa đi các xã ven biển theo 2 hướng gồm: Hướng đi theo Tỉnh lộ 10D - Tỉnh lộ 18 (qua cầu Trường Hà) và hướng đi theo Tỉnh lộ 10A - Quốc lộ 49A (qua cầu Thuận An). Các tuyến giao thông trên hiện nền đường cũ, nhỏ hẹp, đi qua các khu vực đông dân cư, khó khăn trong thông thương đi lại của người dân.
Việc kết nối hiện trạng giao thông 2 bờ Đông - Tây phá Tam Giang trên địa bàn huyện hiện không được thuận lợi và chỉ có hướng di chuyển qua cầu Trường Hà, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội trong khu vực, đặc biệt là phát triển du lịch biển, đầm phá. Riêng các xã ven biển như Vinh Xuân, Phú Diên,... đi đến UBND huyện khoảng 15km, trong khi đó theo đường thẳng qua phá Tam Giang chỉ khoảng 3km.
Do đó, việc đầu tư xây dựng cầu qua phá Tam Giang nối thị trấn Phú Đa đi xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang là hết sức cần thiết nhằm thúc đẩy kinh tế xã hội, phát triển du lịch của huyện Phú Vang nói chung và các xã ven biển, đầm phá thuộc huyện Phú Vang nói riêng; đồng thời rút ngắn thời gian vận hành, đáp ứng nhu cầu vận tải trong khu vực.
Theo quy hoạch, Dự án Cầu qua phá Tam Giang nối thị trấn Phú Đa đi xã Vinh Xuân có chiều dài toàn tuyến khoảng 3km, bao gồm cầu qua phá Tam Giang dài khoảng 1,4km và đường dẫn 2 đầu cầu dài khoảng 1,6km. Thời gian thực hiện dự án 4 năm kể từ ngày khởi công, dự kiến sẽ khởi công trong năm 2024.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, việc đầu tư xây dựng cầu qua phá Tam Giang nối thị trấn Phú Đa đi xã Vinh Xuân là phù hợp với quy hoạch phát triển GTVT tỉnh đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 đã được HĐND tỉnh phê duyệt tại Nghị quyết số 113/NQ-HĐND ngày 26/10/2022.
Theo tờ trình của UBND tỉnh, dự án này sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông chính trong khu vực theo quy hoạch đã được duyệt, nâng cao năng lực thông hành, chống ùn tắc và giảm tải lưu lượng giao thông cho tuyến từng bước hoàn chỉnh mạng lưới đường giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội huyện Phú Vang và sự phát triển chung của tỉnh; động lực thúc đẩy việc phát triển kinh tế - xã hội, du lịch dịch vụ và cải thiện đời sống dân sinh; hình thành, phát triển các đô thị vệ tinh, khu đô thị mới; khai thác hiệu quả các quỹ đất được quy hoạch hai bên tuyến dự án, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Về huy động vốn, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Tài chính cân đối bổ sung một phần vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho dự án từ nguồn của các dự án khả năng không sử dụng hết và các dự án khác không có khả năng triển khai trong giai đoạn 2021-2025 hoặc nguồn vượt thu ngân sách tỉnh năm 2023 và các năm tiếp theo nhằm đảm bảo đủ nguồn vốn khởi công dự án trong năm 2024; phần vốn còn lại của dự án sẽ chuyển tiếp sang kế hoạch trung hạn giai đoạn tiếp theo.
Được biết, bên cạnh chủ trương đầu tư cầu qua phá Tam Giang, tại kỳ họp lần này, các đại biểu HĐND tỉnh đã thống nhất cao đối với tờ trình liên quan đến Đồ án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 của UBND tỉnh.
Theo đó, đối với định hướng về hành chính đô thị, từ nay đến năm 2025 xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với 9 đơn vị hành chính gồm hai quận, 3 thị xã và 4 huyện.
Từ sau năm 2025 - 2030 gồm 9 đơn vị hành chính với ba quận, hai thị xã và các huyện; xây dựng đô thị Chân Mây đạt tiêu chí đô thị loại III.
Từ sau năm 2030 - 2045 gồm 10 đơn vị hành chính với 4 quận, hai thành phố và các huyện; xây dựng huyện Quảng Điền và huyện Phú Vang đạt tiêu chí đô thị loại IV, phấn đấu trở thành thị xã.
Từ sau năm 2045 - 2065, ổn định và nâng cao chất lượng đô thị với mô hình đô thị trung tâm gồm 4 quận; hai thành phố;hai thị xã; các thị trấn, đô thị loại V thuộc huyện Phú Lộc – Nam Đông và huyện A Lưới.