Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh kết nối đầu ra nông sản trong mùa dịch

Diễn biễn dịch bệnh COVID-19 phức tạp, việc giao thương giữa các vùng, các địa phương bị hạn chế khiến đầu ra sản phẩm của các trang trại, cơ sở sản xuất và hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế gặp khó khăn. Tỉnh Thừa Thiên – Huế đang triển khai các giải pháp kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm giúp các chủ trang trại, cơ sở sản xuất tìm kiếm đầu ra, ổn đinh đời sống sản xuất.

Từ năm 2014, ông Trần Thiện Chương, chủ trang trại ở vùng cát xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền đã đầu tư hệ thống cửa hàng cung cấp các mặt hàng nông sản, rau quả và thực phẩm an toàn Quảng Điền tại thành phố Huế. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có chiều hướng diễn biến phức tạp, ngoài duy trì phát triển trang trại, cơ sở kinh doanh này đã chủ động liên kết với nhiều chủ trang trại và các hộ nông dân trên địa bàn huyện để hỗ trợ tiêu thụ đầu ra nông sản cho bà con nông dân.

Ông Trần Thiện Chương cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, cơ sở đã liên kết với các trang trại, để cung cấp nguồn thực phẩm gồm rau, củ, thịt lợn, thịt và trứng gia cầm các loại cho người dân trên địa bàn tỉnh nhằm thúc đẩy việc chăn nuôi trên địa bàn và giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương; đồng thời, kết nối với và cung cấp thịt, trứng cho siêu thị Go. "Bình quân mỗi tháng, chúng tôi cung cấp cho hệ thống siêu thị Go và trị trường trong tỉnh từ 300.000- 500.000 quả trứng gia cầm; 6-7 tấn thịt lợn; 6 tấn gia cầm và hàng chục tấn rau, củ quả", ông Chương nói.

Ông Trần Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền cho biết, Quảng Vinh là địa phương có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển kinh tế trang trại. Hiện nay, trên địa bàn xã có 33 trang trại chăn nuôi các loại gà, vịt, lợn và cá, tạo nguồn thu lớn cho bà con nông dân. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID -19 trong hai năm qua đã ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ sản phẩm tại các trang trại.

Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện vay vốn, tập huấn nâng cao kỹ thuật chăn nuôi chính quyền địa phương vận động các chủ trang trại, bà con nông dân tăng cường phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, vừa xây dựng kế hoạch chăn nuôi phù hợp với nhu cầu tiêu thụ để phát triển chăn nuôi, ổn định đời sống cho người dân.

unnamed-1638862932.jpg
Ảnh minh họa

Kinh tế trang trại phát triển nhanh đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn. Đến nay, huyện Quảng Điền có khoảng 113 trang trại; doanh thu các trang trại đạt bình quân 1 - 1,5 tỷ đồng/năm. Những trang trại có quy mô lớn doanh thu lên đến 15-20 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình dịch COVID-19 thị trường đầu ra sản phẩm của nhiều trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện Quảng Điền gặp không ít khó khăn.

Ông Lê Ngọc Bảo, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho biết, để gỡ khó cho bà con nông dân, huyện đã chỉ đạo các ban ngành, đơn vị phối hợp, hướng dẫn bà con trong quá trình kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm gia súc, gia cầm; quá trình giao thương với các thương lái phải tuân thủ quy định “5K” để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh các giải pháp bền vững như: quy hoạch vùng, đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm nhằm duy trì hoạt động sản xuất, góp phần thúc đầy phát triển kinh tế của địa phương.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 245 trang trại nông nghiệp. Theo đó, tỉnh tích cực đẩy mạnh thực hiện các giải pháp kết nối thị trường đầu ra cho nông sản; sản phẩm gia súc, gia cầm để duy trì hoạt động sản xuất, góp phần nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa cho các chủ trang trại, bà con nông dân, tránh được tình trạng tồn động hàng hoá gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong mùa dịch.

Cùng với đó, tỉnh đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh dịch bệnh. Hợp tác xã Công nghệ Thông tin Huế đã hình thành sàn giao dịch thương mại kinh tế hợp tác với địa chỉ https://kinhtehoptac.com, nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm cho người dân với cộng đồng, thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn đầu ra cho nông sản trong mùa dịch.

Ông Đặng Văn Chính, Giám đốc Hợp tác xã Công nghệ thông tin Huế cho biết, sàn giao dịch thương mại kinh tế hợp tác đã chủ động liên kết với các tổ chức, các hội tại các tỉnh thành trong cả nước có sản phẩm cần hỗ trợ tiêu thụ, để làm đầu mối quảng bá các sản phẩm đến với cộng đồng. Hiện nay, trên sàn thường mại kinh tế hợp tác đã có hơn 100 nhà cung cấp là các hợp tác xã, làng nghề, cơ sở sản xuất và doanh nghiệp với hơn 300 mặt hàng, sản phẩm các loại. Sàn cũng kết nối với 43 ngân hàng, người dùng thực hiện giao dịch mua hàng trực tuyến thông qua thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, giao hàng tận nơi...

Bên cạnh đó, ngành Công Thương khảo sát, kết nối với các trung tâm thu mua của các siêu thị lớn, như Go, Co.opMart… để hỗ trợ người dân đưa hàng vào tiêu thụ ở kênh siêu thị nhằm ổn định đầu ra. Tại các địa phương cũng hình thành các điểm tập trung nhằm phân phối các mặt hàng nông sản, thủy sản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại địa phương.../.