Theo Công điện, thời gian gần đây xuất hiện một số phương thức, thủ đoạn mới, biến tướng, lợi dụng công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp thực hiện các hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
Nguyên nhân chủ yếu do một bộ phận người dân vì nhiều lý do khác nhau có nhu cầu vay vốn không cần thế chấp tài sản. Công tác tuyên truyền, phổ biến về phương thức, thủ đoạn, hậu quả của "tín dụng đen" còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước một số lĩnh vực còn có sơ hở, thiếu sót để các đối tượng xấu lợi dụng hoạt động...
Do đó, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động "tín dụng đen", Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng tại các Chỉ thị số 12, số 16 và Công văn số 1201 của Văn phòng Chính phủ.
Đối với Ngân hàng Nhà nước tập trung nghiên cứu, khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, phát triển hệ thống tín dụng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của người dân. Tăng cường thanh, kiểm tra, quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các ví điện tử, không để các đối tượng móc nối hoạt động "tín dụng đen", kịp thời xử lý các vi phạm.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an ứng dụng dữ liệu dân cư, đẩy mạnh rà soát, xác thực tài khoản ngân hàng, xử lý triệt để tình trạng sử dụng tài khoản "ảo" để hoạt động "tín dụng đen". Chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ liên quan để thanh, kiểm tra các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm; đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân; khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông và an toàn thông tin, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xóa bỏ các bài viết, nội dung, hình ảnh… quảng cáo trái phép, các trang web, đường dẫn, ứng dụng có liên quan đến hoạt động "tín dụng đen". Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an ứng dụng dữ liệu dân cư đẩy mạnh công tác rà soát, xác thực các thuê bao Internet, thuê bao di động, loại bỏ ngay các SIM "rác" không để các đối tượng lợi dụng hoạt động "tín dụng đen".
Tiếp tục phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về vay tài sản, thu hồi nợ, hậu quả của "tín dụng đen" và kết quả đấu tranh, xử lý của cơ quan chức năng để nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân; kịp thời phát hiện, phản ánh, kiến nghị với các cơ quan chức năng để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan.
Bộ Công an được yêu cầu chỉ đạo Công an các cấp áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các hành vi liên quan đến "tín dụng đen"; mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen", báo cáo Thủ tướng kết quả và các vấn đề phát sinh.
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, kịp thời triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách về an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động. Chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền để người dân tránh xa "tín dụng đen". Thường xuyên nắm chắc tình hình, tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động này để xử lý nghiêm vi phạm. Xây dựng phong trào xã, phường, thị trấn không "tín dụng đen".
Giao Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, định kỳ hàng tháng báo cáo Thủ tướng tình hình liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".