Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Ngày 29/4, Bộ Giao thông vận tải tổ chức khánh thành và thông xe Dự án thành phần đầu tư xây dựng (ĐTXD) đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Dự Lễ và cắt băng khánh thành có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành và địa phương. Việc khánh thành Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có ý nghĩa quan trọng, giúp rút ngắn thời gian di chuyển, thuận lợi, an toàn giữa Bình Thuận - TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khác.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, 2 Dự án thành phần thuộc Dự án ĐTXD  một số đoạn đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông là Phan Thiết - Dầu Giây (tại Bình Thuận) và Mai Sơn - Quốc lộ 45 (tại Thanh Hóa) là những đoạn tuyến quan trọng, giúp rút ngắn thời gian di chuyển, thuận lợi, an toàn giữa Bình Thuận - TP. Hồ Chí Minh, giữa Hà Nội - Ninh Bình - Thanh Hóa và các địa phương khác.

a542a4b6d98006de5f91-1682757678.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành.

Việc đưa vào khai thác thời điểm này càng ý nghĩa hơn khi nhu cầu đi lại, du lịch của người dân tăng cao dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương; ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4; ngày Quốc tế lao động 01/5; ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại 19/5 và Bình Thuận đang tổ chức nhiều hoạt động của Chương trình Năm Du lịch Quốc gia 2023.

f641e1d79ce143bf1af0-1682757825.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khánh thành.

Thủ tướng khẳng định, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông là một khâu đột phá chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, dành nguồn lực lớn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tại các vùng, miền trọng yếu nhằm tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hôi. 

Đại diện các nhà thầu thi công tuyến cao tốc, ông Đào Ngọc Thanh, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho biết, với vai trò Dự án trọng điểm Quốc gia, ngay từ những ngày đầu triển khai, Dự án đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các bộ, ban ngành từ Trung ương đến địa phương trong việc tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, chính sách, nguồn vốn để tạo điều kiện cho các nhà thầu hoàn thành nhiệm vụ được giao.

“Bên cạnh những điều kiện thuận lợi nêu trên, quá trình thực hiện Dự án gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc bởi nhiều lý do khách quan. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ ban ngành và các địa phương, các nhà thầu đã dồn mọi nguồn lực, tận dụng tối đa thuận lợi để thi công. Đồng thời thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành các mục tiêu thi đua đã cam kết. Tất cả những nỗ lực đó đã góp phần đưa Dự án về đích đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng thì công, thẩm mỹ công trình và an toàn lao động tuyệt đối.”, ông Đào Ngọc Thanh chia sẻ. 

2eab4e093c3fe361ba2e-1682757678.jpg
Đại diện các nhà thầu thi công tuyến cao tốc, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex phát biểu tại buổi lễ.

Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài tuyến khoảng 99 km đi qua các tỉnh Bình Thuận (chiều dài khoảng 47,5km) và tỉnh Đồng Nai (chiều dài khoảng 51,5km). Chiều dài đoạn tuyến nối từ cao tốc đến QL1A khoảng 2,6km. Dự án có điểm đầu nằm trên tuyến đường từ QL1A đi Mỹ Thạnh (cách QL1A khoảng 2,6km) thuộc tỉnh Bình Thuận; điểm cuối kết nối với tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc xã huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

63bd388645b09aeec3a1-1682757678.jpg
Các phương tiện bắt đầu lưu thông trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Tốc độ lưu hành tối đa trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là 120 km/h, tối thiểu là 60 km/h. Mặt cắt ngang 4 làn xe lưu thông 2 chiều và 2 làn dừng xe khẩn cấp. Trước mắt, dự án đưa vào khai thác 3/7 nút giao, bao gồm nút giao với cao tốc Long Thành - Dầu Giây, nút giao với Quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai và nút giao đường nối Ba Bàu với Quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Các phương tiện đầy đủ các điều kiện lưu thông trên đường bộ được phép lưu thông trên đường cao tốc trừ các đối tượng như xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h; xe máy, xe mô tô hai bánh; máy kéo, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.

fdb501d07ce6a3b8faf7-1682757678.jpg
Một đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Dự kiến, trạm dừng nghỉ trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được bố trí tại Km47+500 thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận (bố trí 2 bên cao tốc). Bộ Giao thông vận tải đã giải phóng mặt bằng và đang triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Nhà đầu tư tự bỏ kinh phí thực hiện đầu tư, xây dựng, quản lý kinh doanh trạm dừng nghỉ theo đúng quy định của pháp luật.

Do khó khăn về vật liệu xây dựng chỉ được giải quyết vào đầu tháng 4/2023 và để hoàn thành toàn bộ các đường gom dân sinh phát sinh nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân trên vùng Dự án, Bộ Giao thông vận tải giao Chủ đầu tư tiếp tục chỉ đạo các nhà thầu khẩn trương hoàn thiện toàn bộ Dự án, đồng thời trong quá trình thi công các hạng mục này phải đảm bảo an toàn đối với công trình đã đưa vào khai thác./.

An Bình