Quyết định nêu rõ: Hỗ trợ 100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 cho 05 địa phương để thực hiện khắc phục hậu quả, ổn định đời sống cho người dân sau cơn bão số 3 (gồm: Nam Định 20 tỷ đồng, Thái Bình 30 tỷ đồng, Hải Dương 20 tỷ đồng, Yên Bái 20 tỷ đồng, Hưng Yên 10 tỷ đồng).
Thủ tướng yêu cầu chính quyền 5 tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Yên Bái, Hưng Yên có trách nhiệm phân bổ cụ thể và sử dụng số kinh phí được bổ sung bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, nguồn tiền hỗ trợ phải được sử dụng đúng mục đích sử dụng, tiết kiệm, hiệu quả, không để thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Thủ tướng chỉ đạo các địa phương sử dụng nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ cùng với nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để kịp thời khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.
Các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng đã báo cáo về việc hiện nay tự cân đối nguồn lực của địa phương để khắc phục hậu quả cơn bão số 3; do đó, ngân sách trung ương sẽ xem xét, hỗ trợ khi các địa phương có đề xuất.
Về thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 tại các địa phương, cập nhật thông tin mới nhất từ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết: tính đến 17h00 ngày 9/9/2024, bão số 3 đã khiến 71 người chết, mất tích (49 người chết, 22 người mất tích), trong đó do bão 12 người; sạt lở đất, lũ quét 53 người; do lũ cuốn 6 người.
Có 732 người bị thương (trong đó Quảng Ninh 536, Hải Phòng 81, Hải Dương 5, Hà Nội 10, Bắc Giang 4, Bắc Ninh 7, Lạng Sơn 9, Lào Cai 09, Yên Bái 4, Cao Bằng 1, Phú Thọ 2, Hoà Bình 1, Thanh Hoá 2). Bên cạnh đó có 85 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh.
Về nông nghiệp, 136.228 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 26.252 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 6.887 ha cây ăn quả bị hư hại và trên 1.536 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi...
Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng so 12 đoạn đường dây 500kV, 36 đường dây 220kV, 161 đường dây 110kV bị sự cố và nhiều cột điện hạ thế bị gãy đổ.
Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 46.548 nhà ở bị hư hỏng (tập trung Quảng Ninh 20.245, Hải Phòng 13.927, Bắc Ninh 3.450, Lạng Sơn 2.627,...) ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gẫy đổ la liệt trên các tuyến đường tại các tỉnh, TP Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội,…
Được biết, các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại.
Hiện nay, bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan dần trên khu vực phía Tây Bắc Bộ, song hoàn lưu của bão còn tiếp tục gây mưa lớn đến hết ngày 11.9 cho các tỉnh Bắc Bộ, nhất là khu vực Tây Bắc.
Để sớm ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất, đồng thời triển khai ứng phó với mưa lớn sau bão, cần tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.