Hương vị quê nhà: Bánh Chưng

Người Việt Nam ta có ngày Tết Nguyên đán là cổ truyền, thiêng liêng của dân tộc lưu truyền từ ngàn đời nay. Đó là ngày cuối cùng của năm, kết thúc mùa đông để bước sang mùa xuân – khởi thuỷ của năm mới với những hứa hẹn, sức sống mới. Có nhiều thứ làm nên ngày Tết này: “Thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.

Đó là ngày trước. Còn bây giờ đã được lược bỏ bớt, ví như không còn ai chơi cây nêu nữa. Câu đối cũng ít dần. Đặc biệt là để giữ an toàn và bảo đảm sự trong lành của môi trường, từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhà nước ta đã chủ trương không đốt pháo, được nhân dân đồng tình.

Có một thứ đặc sản không thể thiếu trong ngày Tết. Đó là bánh chưng. Có thể thiếu thịt mỡ, dưa hành hay bất cứ món gì, nhưng không thể thiếu bánh chưng. Bánh chưng là biểu tượng của ngày Tết cũng như mùa xuân là biểu tượng của sức trẻ, sức sống vậy.

Từ đâu lại có bánh chưng? Chắc mọi người đã biết nguồn gốc ra đời của loại bánh được làm bằng gạo nếp rất đặc biệt, hấp dẫn này. Tương truyền vào thời vua Hùng thứ 6, sau khi đánh xong giặc Ân, ngài có ý trao lại ngôi báu cho con. Ông gọi chúng đến mà nói: “Con nào tìm được món ăn ngon, đặc biệt, có ý nghĩa để bày cỗ trong dịp đầu xuân thì ta sẽ truyền ngôi cho”.

Nghe lời vua cha, đứa nào cũng háo hức bổ đi tìm đủ thứ sơn hào hải vị, trên trời dưới biển để mong tìm được thức ăn ngon mong đáp ứng đúng ý cha. Riêng người con thứ 18 tên Lang Liêu là đứa ngoan, hiền thảo, nhưng nghèo nhất chẳng biết kiếm thứ gì. Chàng lo lắng lắm. Một đêm, chàng mơ thấy một vị thần hiện ra mách mình rằng: “Trong trời đất, không có gì quý bằng gạo vì nuôi sống con người, lại là sản phẩm từ mồ hôi, nước mắt của người lao động tạo nên.

Vậy con hãy lấy gạo nếp tạo nên bánh hình vuông tượng trưng cho trời, đất. Ở giữa, lấy đỗ và thịt lợn làm nhân tượng trưng cho các bậc sinh thành. Như vậy, chiếc bánh chính là biểu tượng cho lòng hiếu thảo của con cái đối với trời đất, cha mẹ”.

Nghe lời vị Thần,  Lang Liêu đã làm đúng lời dặn rồi dâng lên Vua theo hẹn. Ngài ăn thấy rất ngon. Nghe con thuyết trình về ý tưởng, vua tấm tắc khen và đã truyền ngôi cho chàng. Bánh chưng của chàng lập tức được ngài cho bầy lên bàn thờ để thờ cúng tổ tiên dịp Tết năm ấy. Từ đó, bánh chưng được dân ta coi là thứ bánh đặc trưng cho ngày Tết Nguyên đán cổ truyền.

ban-sao-goi-banh-chung-1643692433.jpg
Ảnh minh hoạ

Tạo nên chiếc bánh chưng ăn được không khó. Nhưng làm sao cho ngon, tức bánh phải rền, chín đều, mềm, lại không được nát thì không đơn giản. Luộc không khéo bánh sẽ bị chín không đều, chỗ còn sống, chỗ lại nát. Gạo nếp để làm bánh phải là loại ngon, nếp cái hoa vàng, đãi, ngâm đủ thời gian. Đỗ xanh luộc rồi nghiền thành bột, thái thịt lợn thành miếng to bằng bao diêm rồi đặt vào giữa đỗ xanh đã nghiền nhỏ. Thích ăn nhiều thịt thì cho 2 miếng.

Thông thường một miếng cũng đã là vừa. Đỗ xanh có thịt lợn đặt ở giữa gạo nếp rồi gói lại thành hình vuông, buộc lạt cho chặt rồi bỏ vào nồi luộc. Lạt phải bằng dang và lá bánh phải là lá dong. Kỹ thuật gói bánh cũng là cả một vấn đề. Gói không khéo sẽ méo mó, xấu xí, trong quá trình luộc có thể bị tung ra, hỏng hết. Người gói giỏi tạo nên chiếc bánh vuông vức, ra góc, ra cạnh trông rất đẹp mắt (vì vậy mà có thành ngữ “vuông góc bánh chưng” là thế). Vậy nên nếu ai gói không thạo đã phải dùng đến khuôn. Bánh gói bằng khuôn thì tất cả đều bằng nhau chằn chặn.

Luộc bánh là một công đoạn cũng cần kinh nghiệm. Bếp lửa cần duy trì đều độ nóng. Luôn phải có nước sôi đổ vào thùng sao cho ngập bánh mỗi khi nước bị vơi. Thời gian nấu trên bếp chừng 10 tiếng đồng hồ là có thể vớt bánh. Luộc bánh vào ban ngày thì có thể vừa làm việc khác vừa trông bánh. Nhưng luộc vào ban đêm thú vị hơn tuy phải thay phiên nhau trông coi do buồn ngủ. Bởi vì “trông bánh chưng chờ trời sáng, đỏ hây hây những đôi má đào” (lời một bài hát quen thuộc).

Tự gói và luộc bánh chưng là một việc vui nhất trong dịp Tết, nhất là nhà có trẻ nhỏ. Chúng ý ới gọi nhau, nhắc nhau đun bếp. Năm nào rét quá thì quây quần bên nồi bánh mà sưởi. Và đó cũng là việc chính. Xong khâu bánh chưng kể như là đã lo xong Tết. Thời nay, người ta ít luộc mà đặt bánh ở nhà hàng hoặc mua vài chiếc về là được, nhất là ở thành thị.

Giá trị đồng tiền sắm Tết ngày nay có thể nhiều hơn ngày xưa nhưng vui thì không bằng. Phải chăng vì trong nhiều nguyên nhân có sự mất đi việc tự gói và luộc bánh chưng? Phải chăng vì không còn được nhìn thấy cảnh “đỏ hay hây những đôi má đào”?

Ở miền Bắc phổ biến bánh chưng hình vuông. Còn ở miền Nam lại là hình trụ. Nhưng vẫn là gạo nếp, nhân đỗ xanh, thịt lợn và cách luộc bánh cũng như nhau. Ngày trước, chỉ Tết mới có bánh chưng. Còn bây giờ người ta có thể ăn bất cứ lúc nào nếu thích vì luôn có bán ngoài chợ. Cũng bởi vậy mà bánh chưng ngày Tết ít nhiều đã không còn hương vị đặc biệt, đặc sắc như trước. Và cũng bởi thế mà nay, ngày Tết Nguyên đán đã nhiều nhà không có nhu cầu bánh chưng mà thay vì là nấu các loại xôi.

Dẫu sao thì bánh chưng cũng vẫn là một món đặc biệt của hương vị quê nhà trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc ta./.

Nguyễn Đình San