OCOP - One Commune One Product (Mỗi xã một sản phẩm) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, đồng thời là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện, định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ, quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.
Hiện nay, các sản phẩm OCOP được chia thành 6 nhóm. Nhóm thực phẩm gồm nông, thủy sản tươi sống; nông, thủy sản sơ chế, chế biến và các thực phẩm khác. Nhóm đồ uống gồm đồ uống có cồn và đồ uống không cồn. Nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu gồm các sản phẩm chức năng, thuốc dược liệu, thuốc y học cổ truyền, mỹ phẩm có thành phần từ thảo dược, tinh dầu và dược liệu khác.
Nhóm hàng thủ công mỹ nghệ gồm các sản phẩm từ gỗ, sợi tự nhiên, kim loại, gốm sứ, dệt may, thêu ren... làm đồ lưu niệm, đồ trang trí, đồ gia dụng. Nhóm sinh vật cảnh gồm hoa, cây cảnh, động vật cảnh. Và nhóm dịch vụ gồm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.
Với mong muốn đưa sản phẩm OCOP ở các vùng miền trong cả nước có sức lan tỏa Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh sẽ phối hợp với các địa phương, các cơ sở sản xuất sẽ giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Các siêu thị, cửa hàng mua bán có thể liên hệ với Tòa soạn hoặc trực tiếp với các nhà sản xuất. Dự báo tiềm năng và chất lượng sản phẩm… Trước mắt, Tạp chí sẽ đồng hành với doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đạt 4-5 sao của các địa phương, góp phần đóng góp vào chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đem lại luồng gió mới trong phát triển kinh tế nông thôn.
Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh sẽ trở thành cầu nối một cách hiệu quả giữa cơ sở sản xuất, lưu thông, người tiêu dùng và xuất khẩu.