Vụ lúa Đông Xuân ở Đồng Tháp phát triển theo hướng mở rộng diện tích sử dụng nhóm giống lúa cho giá trị cao, ứng dụng quy trình công nghệ mới (công nghệ thông minh) trong sản xuất và quản lý dịch bệnh, thực hiện xã lũ luân phiên trên cánh đồng sản xuất 3 vụ đã góp phần tăng năng suất; tỷ lệ sử dụng giống chất lượng cao, thơm đặc sản chiếm 62%.
Năng xuất vụ lúa Đông Xuân 2021-2022 ở tỉnh Đồng Tháp cho năng suất cao là nhờ nông dân sử dụng giống lúa xác nhận, ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, cao sản chất lượng cao, hạt tròn, nếp, một ít giống lúa chất lượng trung bình, giống có thời gian sinh tưởng từ 90 – 105 ngày, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ, chống chịu với một số đối tượng sâu bệnh.
Ngành nông nghiệp còn chỉ đạo kịp thời cho việc sản xuất lúa vụ Đông Xuân như: Đối với khu vực vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh ưu tiên áp dụng giống lúa cực ngắn ngày, chịu phèn mặn trung bình – khá như: giống lúa OM18, Đài Thơm 8, IR50404, OM5451, OM6976, OM4900...Giống bổ sung như : OM576, VD20, OM7347, Jasmine 85, Nàng Hoa 9... Đối với vùng phù sa ngọt dọc sông Tiền, sông Hậu tỉnh ưu tiên sử dụng các giống lúa cao sản chất lượng cao như giống lúa: OM18, OM4900, OM6976, OM4218, OM5451, Đài Thơm, Jasmine 85; Giống bổ sung: OM7347, VNĐ95-20, Nàng Hoa 9, OM6162, VD20, RVT, OM9582...
Theo thông tin từ ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, tình hình sâu bệnh vụ lúa Đông Xuân có hơn 800 ha bị nhiễm nhẹ sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn và bệnh cháy bìa lá, trên lúa giai đoạn làm đòng – trổ chín. Tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các địa phương áp dụng các giải pháp kỹ thuật ngay từ đầu vụ như: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý nước hợp lý, đặc biệt là phương pháp bón phân vùi trước khi trục trạc đất lần cuối theo tỷ lệ 100% DAP và 50% Kali để hạn chế thất thoát phân bón, giúp cây lúa khỏe, giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng và lợi nhuận.
Người dân phải thường xuyên thăm đồng, theo dõi kỹ mật số rầy trên ruộng lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trỗ để có biện pháp xử lý hiệu quả, khi rầy cám nở rộ tuổi 1-3 với mật số hơn 2.000 con/m2 cần xử lý kịp thời bằng thuốc có tác động chống lột xác, hạn chế rầy tích lũy mật số giai đoạn trỗ chín, nếu mật số rầy thấp thì không cần xử lý thuốc bảo vệ thực vật; tuân thủ tốt nguyên tắc 4 đúng khi phun thuốc.
Ngành nông nghiệp còn đề nghị người dân không phun thuốc trừ sâu bệnh, thuốc kích thích sinh trưởng cho cây lúa ít nhất 20 ngày trước thu hoạch nhằm bảo đảm thời gian cách ly, an toàn thực phẩm .
Hiện nay, việc tiêu thụ lúa chất lượng cao vụ Đông Xuân tại ruộng giá 5.900 đồng/kg, giá lúa thường IR 50404 tại ruộng giá 5.400 đồng/kg, giá lúa thấp so cùng kỳ năm 2021 từ 500-600 đồng/kg; sau khi trừ công với chi phí phân, thuốc tăng gấp 2-3 lần so cùng kỳ, người dân trồng lúa vụ Đông Xuân 2021-2022 lãi chưa được 30 triệu đồng/ha./.