Nhiều doanh nghiệp may mặc chật vật vì thiếu đơn hàng

Nhiều doanh nghiệp may mặc hiện nay đang gặp khó khăn về vốn, đặc biệt là thiếu hụt đơn hàng do nhu cầu tiêu dùng giảm sút… Do đó, các doanh nghiệp phải tái cấu trúc để tìm kiếm cơ hội.

Ghi nhận cho thấy, có nhiều nguyên nhân khiến đơn hàng dệt may quý I/2023 sụt giảm, trong đó, có nhu cầu tiêu dùng giảm sút, cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine đã đẩy giá năng lượng và lạm phát toàn cầu lên cao. Do vậy, để tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới, các doanh nghiệp cần tái cấu trúc và định vị lại thương hiệu, sản phẩm.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 8,701 tỉ USD, giảm 18,63% so với cùng kỳ năm 2022.

Đại diện Vitas cho biết, trong quý II/2023 doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do sức mua từ các thị trường lớn như Mỹ, EU giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp chưa có đơn hàng tháng 4. Dự kiến tới tháng 7 – 8/2023 thị trường mới ấm trở lại.

may-1680855938.jpg
Ảnh minh họa.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu cho biết, hiện nay, tình hình xung đột giữa Nga và Ukraina vẫn chưa hạ nhiệt, điều này đã kéo theo sự sụt giảm về tăng trưởng kinh tế thế giới, dẫn đến các chính sách thắt chặt tiền tệ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp sản xuất. "Tình hình thị trường những tháng đầu năm rất xấu. Nhiều giá trị đơn hàng giảm 2-3%. Các doanh nghiệp trong tập đoàn cũng chỉ có hàng sản xuất đến hết tháng 4 năm nay, trong khi năm trước tới tháng 12", ông Hiếu nói.

Ông Cao Hữu Hiếu cho rằng, trước tiên doanh nghiệp phải tối ưu hóa hoạt động sản xuất, tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, bám sát khách hàng, bám sát thị trường để có các chính sách linh hoạt, kịp thời. Vinatex nhận định rằng đây là một khó khăn chưa từng có tiền lệ đối với ngành.

Hơn 2 tháng nay, Công ty TNHH IVORY Việt Nam tại thị trấn Hậu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa không thể bảo đảm việc làm cho hàng nghìn công nhân vì thiếu đơn hàng. Chị Hoàng Thị Phượng (xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc) cho biết, từ đầu năm đến nay, chị Phượng và hàng nghìn công nhân khác trong phân xưởng luôn phải giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên, thu nhập vì thế giảm chỉ còn 50% so với những năm trước. "Được biết từ đầu năm 2023 đến nay, công ty bị sụt giảm khoảng 50% đơn hàng. Thiếu hụt đơn hàng, nên doanh nghiệp đành áp dụng biện pháp cắt giảm giờ làm của công nhân. Thậm chí có thời điểm doanh nghiệp còn phải luân chuyển, gửi gắm hàng trăm công nhân sang các công ty may khác để làm việc nhằm duy trì việc làm và thu nhập cho công nhân", chị Phượng chia sẻ.

Lại nói, các doanh nghiệp may mặc lớn đã khó, các doanh nghiệp may mặc nhỏ càng khó khăn hơn về đơn hàng. Đơn cử, như Công ty TNHH may Bảo Châu ở xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa. Là doanh nghiệp nhỏ, quy mô chỉ có 70 đầu máy, với 30 công nhân. Hơn nữa, công ty lại mới vừa đi vào hoạt động được hơn 1 năm, chưa phát triển được bạn hàng “ruột”, nên từ đầu năm đến nay các đơn hàng của công ty gần như bị “đóng băng”. Trước mắt, công ty chỉ biết gom nhặt các đơn hàng nhỏ từ tiểu thương để may gia công quần áo bán tại chợ hoặc các túi xách để duy trì việc làm cho công nhân.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thị trường nội địa với hơn 100 triệu dân, dư địa còn rất lớn, cho nên doanh nghiệp cần sớm có phương án tận dụng. Cần khai thác triệt để các thị trường được ưu đãi về thuế suất như châu Âu hoặc tăng mạnh khai thác ở các thị trường lân cận, còn ổn định như khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc... 

Theo các chuyên gia, do yếu tố bất ổn chính trị, lạm phát gia tăng cao, người dân tiết giảm chi tiêu, nên mặt hàng may mặc bị ảnh hướng khá lớn. Dự báo tình trạng thiếu hụt đơn hàng may mặc sẽ còn tiếp diễn. Để bảo đảm lộ trình phát triển cho ngành may mặc, rất cần sự vào cuộc của sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương trong việc thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp may mặc. Đồng thời, các doanh nghiệp may mặc cũng cần tiếp tục nỗ lực trong việc tìm kiếm thị trường, đổi mới công nghệ sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động./.

Ánh Dương (t/h)