Thiệt hại nặng nề do bão lũ, ngành chăn nuôi nỗ lực hỗ trợ phục hồi đàn vật nuôi

Do ảnh hưởng của bão lũ khiến đàn gia súc, gia cầm của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại nặng. Ngành nông nghiệp sẽ hỗ trợ hộ chăn nuôi khôi phục lại kế sinh nhai. Các địa phương cũng đang khẩn trương tái đàn phục vụ nhu cầu thực phẩm cuối năm.
ho-tro-nguoi-chan-nuoi-sau-bao-so-3-2-1726151296.jpg
Rất nhiều trang trại chăn nuôi bị tốc mái, hỏng hệ thống thông gió, ngập, lụt do bão số 3 ảnh hưởng đến đàn gia cầm. (Ảnh minh họa)

Khẩn trương nắm bắt tình hình thực tế để hỗ trợ nhanh và hiệu quả nhất

Ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, hiện chưa thống kê được con số thiệt hại của ngành chăn nuôi do bão lũ. Tuy nhiên, thiệt hại chủ yếu là hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ.

Do trước đó, sau đại dịch Covid-19, ngành chăn nuôi không chỉ thay đổi mô hình, mà còn thay đổi diện tích, vị trí. Các doanh nghiệp lớn, trang trại lớn đã di chuyển đến các vùng chăn nuôi rộng, cao hơn và đảm bảo an toàn sinh học.

Ông Đăng cho biết, sinh kế của hộ chăn nuôi nhỏ lẻ rất quan trọng nên ngành chăn nuôi coi việc hỗ trợ các hộ là nhiệm vụ trong thời gian tới. Ngành chăn nuôi cùng các địa phương phía Bắc đang nắm bắt tình hình thực tế để hỗ trợ nhanh và hiệu quả nhất.

Sau khi hết bão lũ, Cục thông báo các địa phương phải làm tốt công tác an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh… Đồng thời, thống kê số hộ chăn nuôi cần hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi, chúng tôi sẽ kêu gọi doanh nghiệp cùng ngành chăn nuôi hỗ trợ để khôi phục lại sinh kế cho hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ này.

Năm 2023, giá trị tăng trưởng của ngành chăn nuôi đạt 5,72%, đạt doanh thu trên 33 tỷ USD toàn ngành, đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp. Cả nước có tổng đàn lợn trên 30 triệu con và gia cầm trên 558 triệu con. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 8 tháng qua ước đạt 46,5 triệu USD.

ho-tro-nguoi-chan-nuoi-sau-bao-so-3-3-1726151280.jpg
Bão số 3 gây thiệt hại lớn đối với đàn gia cầm. (Ảnh minh họa)

Tại Quảng Ninh, ngày 11/9,ông Nghiêm Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá thiệt hại, nhất là của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, người dân có liên quan thuộc lĩnh vực phạm vi của ngành, địa bàn quản lý. Từ đó đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ khắc phục thiệt hại sau cơn bão số 3 (Yagi).

Ông Cường cũng yêu cầu Sở NN&PTNT rà soát, hướng dẫn kịp thời việc thống kê thiệt hại, đảm bảo giá trị pháp lý, làm cơ sở xây dựng và thực hiện chính sách, biện pháp. Đặc biệt, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Tổ công tác xây dựng chính sách hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản 4999/SNN&PTNT-KHTC ngày 11/9/2024 về việc xây dựng chính sách hỗ trợ khắc phục thiệt hại sau cơn bão số 3.

Đặc biệt, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các đơn vị theo nhiệm vụ được phân công nghiên cứu các quy định, cơ sở pháp lý, văn bản hiện hành, tham mưu, đề xuất mức hỗ trợ đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản cho các hộ nông dân, người nuôi trồng thủy sản, diêm dân, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã vượt qua khó khăn, thiệt hại do bão số 3 để lại, đảm bảo đúng quy định, không để xảy ra trục lợi chính sách trong tham mưu.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh phục hồi đàn vật nuôi sau mưa, lũ

Tại thành phố Hải Phòng, để kịp thời khắc phục hậu quả do bão số 3 (Yagi) gây ra, đảm bảo hoạt động chăn nuôi diễn ra bình thường, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về việc chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi sau mưa, lũ; tăng cường công tác chủ động khắc phục, khôi phục cho đàn vật nuôi sau cơn bão số 3 năm 2024; Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thành phố đang tập trung hướng dẫn các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục, khôi phục đàn vật nuôi, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi sau bão.

Theo đó, song song với việc tiếp tục triển khai các biện pháp theo Công văn số 2546/SNN-CNTY ngày 4/7/2024 của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn công tác đảm bảo an toàn cho vật nuôi trong mùa mưa lũ; các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, thu gom xác gia súc, gia cầm chết và tiêu hủy theo quy định; thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh trong môi trường. Hướng dẫn người dân chôn lấp, tiêu hủy gia súc, gia cầm bị chết do mưa lũ, đồng thời tiếp tục triển khai tiêm phòng định kỳ đến tận các thôn, xóm, hộ chăn nuôi.

Công tác giám sát nhằm phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm như Dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục ở trâu bò… được các địa phương chú trọng tăng cường. Lực lượng chức năng các quận, huyện đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn chủ vật nuôi báo ngay cho chính quyền địa phương, Trạm Chăn nuôi và Thú y để tiến hành điều tra, xử lý ổ dịch theo đúng quy định.

Không giết mổ, mua bán động vật ốm, chết; không vứt xác động vật chết do mắc bệnh ra ngoài môi trường. Mặt khác, tổ chức rà soát, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm nuôi theo đúng quy định, nhất là đối với đàn gia súc, gia cầm tại nơi đã từng xảy ra dịch bệnh, nơi có nguy cơ cao, nơi bị lũ lụt.

ho-tro-nguoi-chan-nuoi-sau-bao-so-3-5-1726151372.jpg
Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề với nông nghiệp huyện An Lão (Hải Phòng), phần lớn các trang trại chăn nuôi trên địa bàn bị tốc mái. (Ảnh minh họa)

Trên cơ sở đó, tổng hợp, thống kê đầy đủ số lượng loại vật nuôi bị thiệt hại, kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, lụt và trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn; đề xuất xem xét, hỗ trợ khắc phục hậu quả theo quy định.

Thực hiện hướng dẫn của chính quyền địa phương, các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố đã, đang tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp khẩn trương khắc phục phần chuồng trại bị tốc mái, hệ thống thông gió bị hỏng. Tổ chức vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng ở những vùng trũng, ngập lụt kéo dài sau khi nước rút, vùng có nguy cơ cao.

Mặt khác, thường xuyên thực hiện vệ sinh khu vực chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi; thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi không để gây ô nhiễm môi trường. Đối với những hộ xảy ra úng ngập, người dân tiến hành di dời đàn vật nuôi lên vị trí cao hơn; khi nước rút đã thực hiện ngay vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi; thực hiện tổng vệ sinh, thu gom xác động vật chết để xử lý, sát trùng, tiêu độc vùng chăn nuôi bị lũ, ngập để tổng tẩy uế môi trường, tiêu diệt các loại mầm bệnh.

Để giúp bà con nông dân khôi phục đàn vật nuôi, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi sau bão, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông thành phố đã cử cán bộ các Trạm trực thuộc phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương hướng dẫn cơ sở chăn nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm khắc phục thiệt hại sau bão./.

Bình Châu