Thị trường nhà ở tại Mỹ “rớt giá” mạnh nhất kể từ năm 2008

Sau khi cơn sốt thời đại dịch tan biến, giá trị thị trường nhà ở Mỹ trong nửa cuối năm 2022 đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008. San Francisco và New York là hai khu vực chứng kiến giá trị nhà ở sụt giảm mạnh nhất.

Sau khi đạt đỉnh 47.700 tỷ USD vào tháng 6, tổng giá trị nhà ở tại Mỹ đã sụt 2.300 tỷ USD trong nửa cuối năm 2022, tương đương giảm 4,9%, theo dữ liệu từ công ty môi giới bất động sản Redfin. Đây là mức giảm lớn nhất tính theo tỷ lệ % kể từ cuộc khủng hoảng địa ốc năm 2008. Khi đó, giá trị nhà ở giảm 5,8% từ tháng 6 đến tháng 12. 

Trong đại dịch COVID-19, giá nhà tại Mỹ tăng vọt với tốc độ chưa từng thấy kể từ những năm 1970 khi lãi suất thế chấp gần mức thấp kỷ lục. Những người mua với lượng tiền mặt rủng rỉnh cũng tạo nên sức nóng cho thị trường trong bối cảnh đại dịch. Lực cầu mạnh cùng với hàng tồn kho thấp khiến thị trường bất động sản ở Mỹ lên cơn sốt nóng. Thậm chí, một số người mua còn không cần kiểm tra và thẩm định kỹ về căn nhà định mua hoặc sẵn sàng trả thêm tiền so với giá chào bán để được sở hữu căn nhà mà họ chọn.

Sự điên cuồng chỉ dừng lại khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu triển khai chiến dịch tăng lãi suất mạnh mẽ nhất kể từ những năm 1980 với mục tiêu kiềm chế lạm phát. Thị trường bất động sản vốn nhạy cảm với lãi suất đã phải chịu gánh nặng của chính sách tiền tệ thắt chặt. Mặc dù lãi suất thế chấp đã giảm từ mức cao nhất 7,08% hồi tháng 11, nhưng gần đây lại có xu hướng tăng trở lại.

Theo dữ liệu từ công ty cho vay thế chấp Freddie Mac, lãi suất trung bình cho khoản thế chấp cố định 30 năm đã tăng lên 6,5% trong tuần qua. Con số này vẫn cao hơn đáng kể so với một năm trước, khi mà lãi suất dao động quanh mức 3,92%.

Nhu cầu của người mua nhà cạn kiệt khi họ phải đối mặt với lãi suất thế chấp cao nhất trong nhiều năm. Điều này khiến giá nhà tiếp tục lao dốc. Giá trung bình của một căn nhà được bán trong tháng 1 là 383.249 USD, giảm 11,5% so với mức cao nhất là 433.133 USD hồi tháng 5 năm ngoái.

mynhadatzillow-8911-1677599540.jpg

Ảnh minh họa.

Bà Chen Zhao - Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế của Redfin, cho biết quy mô thị trường phần nào giảm sút nhưng hầu hết chủ sở hữu nhà vẫn gặt hái được lợi nhuận lớn do sự bùng nổ thời Covid-19. Bà lưu ý rằng tổng quy mô thị trường bất động sản Mỹ vẫn cao hơn khoảng 13.000 tỷ USD so với tháng 2 năm 2020, trước khi dịch COVID-19 bùng nổ toàn cầu.

Tuy nhiên, ngay cả khi lãi suất thế chấp cao hơn khiến hàng triệu người Mỹ không thể sở hữu nhà, giá nhiều ngôi nhà vẫn đắt hơn so với một năm trước. Trong tháng 12, tổng quy mô thị trường bất động sản Mỹ vẫn tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường nhà ở tại tại các thành phố đắt đỏ San Francisco và New York... đều mất giá

Thiệt hại của các chủ sở hữu nhà tùy thuộc vào nơi họ mua. Sự sụt giảm lớn nhất diễn ra tại các thành phố đắt đỏ như San Francisco và New York.

Trong khi đó, những người đã chuyển đến các khu vực nhà đất được ưa thích thời đại dịch vẫn đang thấy lãi từ khoản đầu tư của họ, đặc biệt là ở bang Florida. Điều này được thể hiện rõ nhất ở thành phố Miami, nơi tổng giá trị nhà ở tháng 12 năm ngoái nhảy vọt 20% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng lớn nhất trong số các khu vực đô thị hàng đầu.

Nhìn chung thị trường nhà ở Mỹ đang đi xuống, nhưng Miami vẫn giữ nguyên giá trị kể từ khi đạt đỉnh 472 tỷ USD hồi tháng 7 năm ngoái. Trong khi đó, giá trị nhà tại thành phố North Port-Sarasota, bang Florida, Knoxville ở Tennessee và Charleston ở South Carolina đều ghi nhận mức tăng trên 17% trong năm 2022.

Trong bối cảnh nhân viên các tập đoàn công nghệ chuyển đến những khu vực có giá phải chăng hơn, tổng giá trị nhà ở tại thành phố San Francisco trong tháng 12 năm ngoái đã rớt 6,7% so với một năm trước.

San Francisco là vùng đô thị mất giá mạnh nhất trong tháng cuối năm 2022, theo sau bởi Oakland và San Jose. Các khu vực đô thị khác bao gồm New York và Seattle cũng bị mất giá.

Bà Elena Fleck, đại lý bất động sản của Redfin tại Florida, cho biết: “Thị trường nhà ở Florida đang được chống đỡ bởi những người chuyển đến từ vùng phía bắc và vùng Bờ Tây”.

Thi Nguyên (t/h)