Thị trường chứng khoán Việt Nam lại lỡ hẹn với "chuyến tàu" nâng hạng của MSCI

Một lần nữa Việt Nam lại lỡ hẹn với danh sách xem xét để được nâng hạng từ thị trường cận biên (frontier market) sang thị trường mới nổi (emerging market).

Mới đây, Morgan Stanley Capital International (gọi tắt là MSCI) - Một Công ty uy tín trong lĩnh vực cung cấp các công cụ phân tích thị trường tài chính có trụ sở tại New York, Hoa Kỳ đã công bố kết quả phân loại thị trường định kỳ dành cho 84 thị trường chứng khoán trên thế giới, trong đó Việt Nam một lần nữa lỡ hẹn với danh sách xem xét để được nâng hạng từ thị trường cận biên (frontier market) sang thị trường mới nổi (emerging market).

Lý giải về vấn đề này, MSCI nhấn mạnh tới vấn đề room ngoại trên thị trường Việt Nam, cho rằng “các vấn đề về room nước ngoài đang tác động tới hơn 10% cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam”.

Đáng chú ý hơn, 9 tiêu chí định lượng về thị trường của Việt Nam bị gắn nhãn “-“, tức chưa đáp ứng được yêu cầu của MSCI. Theo dự báo của ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc SSI Research cho biết, phải đến năm 2025, chứng khoán Việt Nam mới có thể chính thức nâng hạng lên thị trường mới nổi.

msci-1656224575333947970589-1656250197.jpeg
Ảnh minh họa

Thống kê cho thấy, có đến 242 cổ phiếu của các doanh nghiệp Việt Nam tương đương 15% toàn thị trường hoặc đã cạn room, hoặc bị khoá room nên nhà đầu tư nước ngoài không thể mua được nữa.

"Theo đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam đủ quy mô nhưng chúng ta lại hạn chế giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài rất nhiều. Do đó rất nhiều cổ phiếu đáng ra được lọt vào tiêu chí của MSCI thì lại không có đủ tiêu chí đủ room để khối ngoại giao dịch", ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết cho biết.

Nếu sợ nới room, sẽ có những doanh nghiệp bị thôn tính, bị mất quyền kiểm soát thì theo các nhà đầu tư nước ngoài, hãy học Thái Lan đang là thị trường mới nổi, cho phép doanh nghiệp phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết. Tức người sở hữu sẽ không được tham gia bỏ phiếu, hay quản trị công ty mà chỉ quan tâm đến thanh khoản cổ phiếu. Giá trị giao dịch sản phẩm này ở Thái Lan là 21% thanh khoản hàng ngày.

"Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản ưa chuộng như các cổ phiếu vốn hoá cao, kỳ vọng tăng trưởng tốt… nhưng việc mua bán không dễ dàng. Các nhà đầu tư hi vọng hệ thống giao dịch mới KRX sớm đi vào hoạt động và có thêm nhiều sản phẩm mới chứng khoán trên thị trường, thay đổi cách lưu ký và thanh toán", ông Tomonori Tsuchiya - Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Nhật Bản cho biết.

Chia sẻ về thời điểm nâng hạng thị trường, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup đánh giá vấn đề kỹ thuật không phải trở ngại lớn và phụ thuộc vào việc triển khai của các cơ quan quản lý, đặc biệt là sự chỉ đạo của Chính phủ.

Ông Thuân cho rằng, chứng khoán Việt Nam như một võ sĩ hạng nặng thi đấu ở hạng nhẹ, quy mô của hạng nhẹ hiện đang ở khoảng 95 tỷ USD. Và trong đó các quỹ được MSCI khuyến nghị phân bổ khoảng 30% cho thị trường Việt Nam trong rổ đấy, đương nhiên các quỹ sẽ không phân bổ hết 30% đó vì thị trường vẫn ở hạng nhẹ.

Còn nếu Việt Nam thi đấu ở hạng trung mới nổi thì quy mô của hạng này là 6.800 tỷ USD và chỉ cần 1% phân bổ đấy thôi thì đã có 68 tỷ đô vào thị trường. Thông thường, dòng tiền sẽ vào thị trường trước khi công bố nâng hạng, giống như các thực trạng đã diễn ra ở Pakistan, ở Ả Rập Xê Út hay Kuwait.

"Việc nâng hạng không chỉ phục vụ nhà đầu tư nước ngoài, mà chúng ta còn phục vụ chính 5,2 triệu tài khoản nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam, để phục vụ chính thị trường nội địa này và nhu cầu vốn đầu tư cũng còn rất nhiều", ông Thuân nói.

Tuy nhiên, ông Thuân cũng lưu ý, không phải tất cả đều có lợi khi Việt Nam nâng hạ lên mới nổi. Bởi lẽ, để nâng hạng, các tổ chức như MSCI sẽ yêu cầu việc tự do hối đoái. Ngoài ra, dòng vốn vào nhanh ồ ạt thì cũng gây xáo trộn cho thị trường tiền tệ, thị trường tỷ giá.

Anh Vân (t/h)