Bloomberg: Khoảng 465 tỷ USD đã "bốc hơi" khỏi thị trường cổ phiếu tài chính toàn cầu

Dường như tin xấu mới bắt đầu “ngấm” trên thị trường chứng khoán Mỹ, châu Á, khi các chỉ số chính của khu vực đều chìm trong sắc đỏ với mức giảm sâu hơn 2% như Nikkei 225, Hang Seng, Kospi... khi các nhà đầu tư lo lắng về sự lây lan từ sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB).

Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ đánh dấu thất bại lớn nhất của Mỹ trong lĩnh vực ngân hàng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Đồng thời, làm dấy lên quan ngại về "hiệu ứng domino" trong toàn bộ hệ thống. Việc khách hàng rút cạn tiền gửi đã khiến ngân hàng tầm trung này không còn khả năng duy trì hoạt động độc lập.

Ở một diễn biến khác, thị trường chứng khoán Châu Á chìm trong "sắc đỏ" trong phiên giao dịch đầu ngày 14/03, trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu của các ngân hàng Mỹ do lo ngại sự sụp đổ liên tiếp của Ngân hàng SVB và Signature Bank sẽ gây "hiệu ứng domino."

Theo ghi nhận, thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản), Sydney (Australia) và Seoul (Hàn Quốc) đều ghi nhận mức giảm điểm gần 2%, trong khi các thị trường Hong Kong, Thượng Hải (Trung Quốc), Singapore và Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) chứng kiến đợt bán tháo cổ phiếu ồ ạt.

Trong số các ngân hàng trong khu vực, giá cổ phiếu của Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ (MUFG) và Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui cùng giảm hơn 7% tại Nhật Bản, trong khi cổ phiếu của HSBC niêm yết tại Hong Kong giảm hơn 3%. Ngân hàng quốc gia Australia giảm hơn 2% và Tập đoàn tài chính KB của Hàn Quốc giảm 3%.

Theo hãng tin Bloomberg, khoảng 465 tỷ USD đã "bốc hơi" khỏi thị trường cổ phiếu tài chính toàn cầu trong 03 ngày (từ 12-14/3), bất chấp các động thái trấn an nhà đầu tư từ phía các cơ quan chức năng Mỹ, trong đó có Fed, Bộ Tài chính và Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC).

960x0-1678809610.jpg

Ảnh minh họa.

Tại Việt Nam, thị trường chứng khoán cũng chứng kiến những phiên giao dịch “đỏ sàn” cùng với sự lao dốc của nhóm cổ phiếu các ngân hàng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó khi sắc đỏ chiếm áp đảo trên bảng điện tử với áp lực bán xuất hiện ở tất cả các nhóm ngành, khiến đà giảm của VN-Index dần được nới rộng, có thời điểm giảm tới hơn 15 điểm. Chỉ số này không giảm sâu hơn nhờ sức cầu vẫn khá ổn định trong thời điểm cuối phiên. Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 14,9 triệu đơn vị, giá trị mua ròng 410,7 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/3, VN-Index giảm 12,67 điểm (-1,2%), xuống 1.040,13 điểm; HNX-Index giảm 3,3 điểm (-1,6%), xuống 202,83 điểm; UPCoM-Index giảm 0,61 điểm (-0,79%), xuống 75,77 điểm.

Đánh giá tác động sự kiện “ngân hàng SVB” đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, theo một chuyên gia Khối phân tích công ty chứng khoán cho biết, giới tài chính đang kỳ vọng Fed sẽ giảm cường độ tăng lãi suất sau sự kiện SVB sụp đổ. Trên cơ sở đó nhóm phân tích duy trì quan điểm thận trọng trong nửa đầu năm 2023 đối với thị trường chứng khoán trong nước.

Sillicon Valey Bank là ngân hàng thương mại lớn thứ 16 của Mỹ, rơi vào khủng hoảng thanh khoản ngày 10/03. ngân hàng này có tổng tài sản trị giá 209 tỷ USD tại thời điểm cuối năm 2022, chiếm khoảng 0,9% tổng tài sản hệ thống ngân hàng Mỹ.

Phân tích kỹ hơn, vị này cho hay danh mục đầu tư của SVB chiếm khoảng 50% là trái phiếu Chính phủ Mỹ và các giấy tờ đảm bảo bằng tài sản thế chấp với mức lợi suất thấp. Trong bối cảnh Fed liên tục tăng lãi suất, SVB phải đối diện với khoản lỗ vượt qua cả vốn chủ sở hữu. Mặt khác, phần lớn tiền gửi huy động của SVB lại tập trung vào các startup và quỹ đầu cơ. Vì vậy, SVB rơi vào khủng hoảng khi hàng loạt các khách hàng thực hiện rút tiền.

“Sự sụp đổ của SVB được xem là hệ quả nảy sinh từ quá trình thắt chặt lãi suất mạnh tay trong thời gian vừa qua nhằm kiềm chế lạm phát,” vị chuyên gia cho biết thêm./.

SVB là ngân hàng bán lẻ lớn nhất của Mỹ sụp đổ kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Hai ngày sau khi SVB tuyên bố phá sản, ngày 12/3, cơ quan quản lý ngân hàng bang New York cũng thông báo đóng cửa Signature Bank.

FED, Bộ Tài chính Mỹ và FDIC đã phải đứng ra cam kết bảo vệ tất cả người gửi tiền và hỗ trợ các ngân hàng khó khăn về tiền mặt, theo đó nới lỏng các điều kiện cung cấp các khoản cho vay ngắn hạn. Trong một tuyên bố chung, các cơ quan trên nêu rõ tất cả những người gửi tiền ở SVB sẽ được tiếp cận toàn bộ số tiền gửi của họ trong ngày 13/3 và người đóng thuế ở Mỹ sẽ không phải chịu gánh nặng liên quan. Tuyên bố nhấn mạnh nhà chức trách đang “hành động quyết đoán để bảo vệ nền kinh tế Mỹ thông qua việc củng cố lòng tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng”.

Giới chuyên gia cho rằng, nguyên nhân SVB sụp đổ phần lớn do FED tăng lãi suất mạnh nhằm kiềm chế lạm phát, vốn đã ảnh hưởng nặng nề đến thị trường chứng khoán. Theo đó, một số chuyên gia và các ngân hàng hàng đầu cho rằng FED có thể cần tạm dừng chính sách hiện nay để ổn định thị trường tài chính.

Thi Nguyên (t/h)