Tính chung 8 tháng của năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt trên 4.043 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước đạt 515,4 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ năm học mới tăng cao.
Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.043,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 19,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,7% (cùng kỳ năm 2022 tăng 15,1%). Như vậy, từ đầu năm đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ lũy kế hàng tháng đang có xu hướng giảm dần, cho thấy sức mua đang chậm lại.
Một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 11,8%, Hải Phòng và Cần Thơ cùng tăng 9,5%, Bình Dương tăng 9,4%, Đồng Nai tăng 8,2%, Hà Nội tăng 6%, Thành phố Hồ Chí Minh tăng 4,8%, Đà Nẵng tăng 3,1%.
Bộ Công Thương dự báo, chỉ số giá tiêu dùng trong nước vẫn được đánh giá ở mức khá cao so với các năm trước đó, việc tăng lương cơ sở từ 1/7 vừa thúc đẩy cầu trong nền kinh tế nhưng có thể sẽ gây ra những hệ lụy nhất định đối với doanh nghiệp, người lao động, nhất là vấn đề gia tăng mặt bằng giá cả trong nước.
Do đó, công tác điều hành giá cả dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn với áp lực lạm phát gia tăng do giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng giá, rủi ro về tỷ giá tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu trong nước.
Từ những rủi ro, thách thức nêu trên, theo Bộ Công Thương đòi hỏi toàn ngành không được lơ là, chủ quan, theo dõi chặt chẽ tình hình biến động cung cầu, giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước để sẵn sàng các phương án giải pháp ứng phó kịp thời nhằm đạt được các mục tiêu đạt ra của ngành.
Theo đó, trong những tháng tiếp theo, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện hoặc đề xuất lên Chính phủ các biện pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu khi thị trường xảy ra biến động bất thường.