Thí điểm “Phiên chợ thực phẩm an toàn” tại Thanh Hóa

Phiên chợ thực phẩm an toàn được tổ chức với nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, phân phối thực phẩm giới thiệu sản phẩm thực phẩm sạch đến nhà phân phối và người tiêu dùng.
phien-cho-an-toan-thuc-pham-1696478576.png
Thanh Hoá dự kiến sẽ tổ chức mỗi quý một phiên chợ thực phẩm an toàn.

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Kế hoạch số 237/KH-UBND về việc tổ chức thí điểm “Phiên chợ thực phẩm an toàn” trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 - 2025.

Theo đó, việc tổ chức thí điểm “Phiên chợ thực phẩm an toàn” với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, phân phối thực phẩm trong và ngoài tỉnh trưng bày, giới thiệu sản phẩm thực phẩm an toàn đến các nhà phân phối và người tiêu dùng tại các địa phương trong tỉnh; tuyên truyền, quảng bá sản phẩm thực phẩm an toàn, đặc thù của địa phương, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm thực phẩm của tỉnh.

Đồng thời giúp các nhà phân phối và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm thực phẩm có chất lượng, từng bước nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về năng lực sản xuất của các cơ sở sản xuất thực phẩm trong tỉnh; góp phần đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, các loại hàng hóa, thực phẩm trưng bày, giới thiệu tại các phiên chợ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đáp ứng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn về dịch bệnh và được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. Việc tổ chức các phiên chợ phải bảo đảm thiết thực, hiệu quả; bảo đảm duy trì và phát triển mối liên kết, hợp tác sau khi kết thúc các phiên chợ. Đảm bảo an toàn tuyệt đối về an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường trong quá trình tổ chức phiên chợ; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Theo kế hoạch, UBND tỉnh giao cho Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện. Phiên chợ sẽ được tổ chức tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Theo dự kiến, trong năm 2024- 2025 sẽ tổ chức mở 8 phiên chợ, mỗi quý 1 phiên. Đối tượng tham gia: Các huyện, thị xã, thành phố; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối thực phẩm an toàn trong và ngoài tỉnh.

Sản phẩm trưng bày tại phiên chợ: Lương thực, thực phẩm; nông sản, lâm sản, thủy hải sản; đồ uống (rượu, bia, nước trái cây, nước giải khát các loại); thực phẩm bao gói sẵn; thực phẩm chế biến. Uu tiên các sản phẩm tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, sản phẩm thực phẩm có sự tham gia giám sát an toàn thực phẩm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, sản phẩm OCOP được sản xuất trong tỉnh, các loại thực phẩm bảo vệ sức khoẻ có nguồn gốc từ dược liệu theo Công văn số 12075/UBND-VX của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án Phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch đến năm 2030.

Dự kiến mỗi phiên chợ khoảng 40 gian hàng tiêu chuẩn, dựng trong nhà tiền chế có mái che (kích thước gian hàng: dài 3 m x rộng 3 m); trong đó: - Địa phương nơi tổ chức phiên chợ: 5 gian hàng. 3 - Các địa phương lân cận (khoảng 5 huyện): 10 gian hàng (mỗi địa phương 02 gian hàng). - Các hợp tác xã, làng nghề trên địa bàn tỉnh: 15 gian hàng. - Các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh: 10 gian hàng. 2.5. Thời gian trưng bày, tổ chức các phiên chợ: 02 ngày/phiên chợ (không kể thời gian lắp dựng và tháo dỡ).

Để phiên chợ an toàn thực phẩm diễn ra hiệu quả, Sở Công Thương  cần phối hợp với địa phương, đơn vị liên quan, hàng quý lựa chọn địa điểm tổ chức các phiên chợ và chủ động triển khai thực hiện; định kỳ hàng năm, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện và những khó khăn, vướng mắc.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, thông báo kế hoạch tổ chức các phiên chợ cho các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh để vận động đăng ký tham gia; tổ chức lựa chọn đơn vị thiết kế, lắp đặt các gian hàng và các khu phụ trợ theo đúng quy định của pháp luật.

Hà Khải