Sáng ngày 25/6, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chủ trì buổi họp Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp trung ương năm 2024. Trong tổng số 55 sản phẩm được các địa phương gửi lên, có 4 sản phẩm được công nhận đạt sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) đã bước sang năm thứ 6; được triển khai đồng bộ, rộng khắp ở tất cả các địa phương. Đến nay, cả nước đã có hơn 13.000 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng hơn 4.000 sản phẩm so với cuối năm 2022) và hơn 7.000 chủ thể OCOP (hơn 32% là HTX, hơn 22% doanh nghiệp, hơn 39% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác).
Chương trình OCOP đã có tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt ở 3 khía cạnh: thúc đẩy chuyển đổi về tổ chức sản xuất khu vực nông thôn theo hướng liên kết chuỗi giá trị, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định (hơn 34% số chủ thể OCOP đã xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định theo liên kết chuỗi giá trị sản phẩm OCOP, hơn 2.000 HTX có sản phẩm OCOP).
Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng, phù hợp yêu cầu của thị trường, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu (46% chủ thể OCOP gia tăng về sản lượng sau khi được công nhận OCOP, doanh thu bán hàng tăng bình quân gần 30%. Tỷ lệ sản phẩm OCOP có giá bán tăng lên hơn 50%, mức tăng giá bình quân hơn 17%).
Chương trình góp phần tạo thêm việc làm, phát triển sinh kế ở những vùng đặc biệt khó khăn và các nhóm yếu thế (hơn 34% chủ thể OCOP mở rộng quy mô về lao động; 40% chủ thể OCOP là nữ; tỷ lệ chủ thể là người dân tộc thiểu số khu vực khó khăn, miền núi chiếm 17%).
Trên cơ sở đó, trong phiên họp lần này, Hội đồng sẽ xem xét, công nhận lại cho các sản phẩm OCOP cấp quốc gia (OCOP 5 sao) đã được công nhận năm 2020. Đồng thời, đánh giá, phân hạng cho các sản phẩm nhóm thực phẩm (gồm 55 sản phẩm được các địa phương đề nghị đánh giá phân hạng). Đây là các sản phẩm được địa phương gửi hồ sơ trước ngày 31/12/2022, được đánh giá theo bộ tiêu chí tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Vượt qua hơn 50 sản phẩm khác, 4 sản phẩm được công nhận đạt sản phẩm OCOP cấp quốc gia lần này bao gồm: Vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang; Bánh đậu xanh rồng vàng Hoàng Gia của tỉnh Hải Dương; Trái sầu riêng cấp đông của tỉnh Bến Tre; Gia vị hoàn chỉnh của tỉnh Thừa Thiên Huế. Bên cạnh đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao mới, Hội đồng cũng đánh giá, công nhận lại 6 sản phẩm đã đạt 5 sao từ năm 2020.
“Qua quá trình rà soát, thẩm định hồ sơ, chúng tôi thấy rằng tất cả các sản phẩm đều có sự tăng trưởng rất tốt. Các chủ thể đã cải thiện, cải tiến kể cả về quy mô sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư công nghệ…. Chính vì vậy, cả 6 sản phẩm đề nghị công nhận lại sản phẩm OCOP quốc gia 2020 đã được Hội đồng thống nhất thông qua để công nhận lại”, ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết.
Chúc mừng các chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận cũng như công nhận lại cấp quốc gia, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, các sản phẩm OCOP 5 sao tiếp tục được hỗ trợ xúc tiến thương mại thời gian tới.
“Đối với quốc gia, chúng tôi đã phát triển các sản phẩm này xúc tiến thương mại ở các thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc, vừa qua chúng tôi đã xúc tiến ra thị trường Mỹ. Các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của các Bộ đi nước ngoài cũng đều đem sản phẩm OCOP 5 sao làm quà tặng. Vì vậy, tôi rất mong các doanh nghiệp khi đạt rồi, chúng ta tiếp tục phát huy làm sao làm sao đẩy mạnh xúc tiến thương mại để phát triển sản phẩm của mình trong nước và quốc tế”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói./.