Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hệ thống hướng dẫn đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật sang Trung Quốc (CIFER) thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức phê duyệt, bổ sung thêm 23 doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu thủy sản vào thị trường này.
Đây là kết quả nỗ lực làm việc của các cục, đơn vị chức năng tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2023 vừa qua, khi vẫn chủ động duy trì kết nối, đàm phán với các cơ quan chức năng phía Trung Quốc trong xử lý kịp thời các rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản. Như vậy, đến nay, hệ thống CIFER của Tổng cục Hải quan Trung Quốc có hơn 800 doanh nghiệp Việt Nam được công bố đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), tháng 1/2023, xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp đà giảm sâu theo xu hướng của các tháng cuối năm 2022 cộng thêm việc trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, vẫn có những tín hiệu lạc quan trong thời gian tới và kỳ vọng xuất khẩu sẽ từng bước phục hồi đà tăng trưởng từ quý II/2023.
Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Vasep cho biết, các doanh nghiệp đều đang kỳ vọng nhu cầu thị trường sẽ được cải thiện và xuất khẩu thuỷ sản quay lại đà tăng trưởng từ quý II/2023. Theo kịch bản khả quan đó, xuất khẩu thuỷ sản năm 2023 có thể mang về 10 tỷ USD.
Để hướng tới mục tiêu đó, thời điểm này, doanh nghiệp thủy sản cần đảm bảo năng lực tài chính để duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ hồi phục có thể đáp ứng ngay.
Cụ thể, cần chủ động trong vấn đề nguyên liệu, sản xuất và đánh giá tình hình vì mặt hàng thực phẩm là nhu cầu thiết yếu, nếu không chủ động sẽ lỗi nhịp về cơ hội khi thị trường phục hồi. Các doanh nghiệp cũng phải linh hoạt chuyển đổi quy trình và chuyển dịch cơ cấu sản phẩm kịp thời với xu hướng tiêu dùng mới, đáp ứng được nhu cầu thị trường và gia tăng xuất khẩu.