Thanh toán không dùng tiền mặt qua mã QR tăng vọt và khuyến cáo của Ngân hàng Nhà nước

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2024, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 59,6% về số lượng và 32,73% về giá trị. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích này, phía ngân hàng cũng có những khuyến cáo đối với khách hàng khi sử dụng hình thức thanh toán qua mã QR.
thanh-toan-bang-ma-qr-03-1714873053.jpg
Thanh toán bằng QR code đang ngày càng trở nên phổ dụng ở Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Thanh toán QR Code đang dần trở nên phổ biến

NHNN cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2024, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 59,6% về số lượng và 32,73% về giá trị. Cụ thể, thanh toán qua kênh Internet tăng tương ứng 51,60% và 23,88%; qua kênh điện thoại di động tăng tăng 63,24% và 33,43%; qua phương thức QR code tăng 846,41% và 1.146,14%; qua POS tăng 2,53% và 3,56%.

Số liệu vừa công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán điện tử ở Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh. Trong đó, phương thức thanh toán qua mã QR (QR Code) đang dần trở nên phổ biến và được nhiều người quen dùng.

Mã QR đang hiện hữu ở khắp mọi nơi, khi chúng ta đi ăn uống hay mua sắm, dù ở trung tâm thương mại, cửa hàng, chợ dân sinh, hay thậm chí là hàng rong trên vỉa hè.

Trong năm 2023, thanh toán trên thiết bị di động tăng 59,86% về số lượng và 12,73% về giá trị; thanh toán qua QR code tăng tương ứng 242,46% về số lượng và 157,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

thanh-toan-bang-ma-qr-01-1714873034.jpg
Là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt được ưa chuộng nhất hiện nay, mã QR mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng. (Ảnh minh họa)

Theo Vụ Thanh toán của NHNN, hiện nhiều tổ chức tín dụng tại Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số. Đến nay, có khoảng 77,41% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng, hơn 35 triệu tài khoản thanh toán và khoảng 14,9 triệu thẻ được mở bằng phương thức điện tử eKYC đang hoạt động.

Ông Nguyễn Hưng Nguyên, Phó Tổng Giám đốc NAPAS cho biết, với tốc độ tăng trưởng nhanh của các giao dịch thanh toán điện tử như hiện na (khoảng 20%/năm), cần đảm bảo hệ thống hạ tầng thanh toán quốc gia được an toàn, ổn định và thông suốt.

Song song với đó, theo ông Nguyên, là việc đảm bảo chi phí xử lý giao dịch thấp nhất có thể, qua đó cung cấp nền tảng thanh toán góp phần phổ cập tài chính toàn diện.

Dù tiện dụng nhưng cần lưu ý để tránh bị lừa đảo khi thanh toán bằng mã QR

Liên quan đến vấn đề lừa đảo trực tuyến thời gian gần đây, ông Nguyễn Hưng Nguyên cho hay, NAPAS đang phối hợp các ngân hàng và cơ quan quản lý đưa ra thêm một số giải pháp bổ trợ nhằm giám sát, phát hiện sớm tài khoản có dấu hiệu gian lận, giả mạo nhằm hạn chế rủi ro cho khách hàng khi thực hiện giao dịch.

Mã QR còn được gọi là mã QR Code với tên gọi đầy đủ là Quick Response code. Đây là một dạng thông tin đã được mã hóa để hiển thị sao cho máy có thể đọc được. Mã QR bao gồm 2 màu trắng và đen với những chấm đen và ô vuông mẫu trên nền trắng.

Là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt được ưa chuộng nhất hiện nay, mã QR mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng như: chuyển khoản nhanh chóng, thông tin chính xác, giảm bớt nhiều thao tác. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích này, phía ngân hàng cũng có những lưu ý đối với khách hàng khi sử dụng hình thức thanh toán qua mã QR.

Đối với khách hàng khi sử dụng thẻ tín dụng, ngân hàng cũng khuyến cáo một số điểm lưu ý. Khách hàng không cho người khác sử dụng thẻ của mình. Tuyệt đối không cung cấp mật khẩu hoặc mã OTP cho người sử dụng khác. Không truy cập vào các đường link đến các website lạ, có nghi ngờ gian lận, giả mạo.

Không sử dụng các thiết bị công cộng để thực hiện các giao dịch thanh toán, đặc biệt khách hàng cũng cần phải lưu ý phải đăng ký biến động số dư để theo dõi các giao dịch của mình. Trong trường hợp phát sinh các giao dịch nghi ngờ, khách hàng cần phải thông báo ngay đến ngân hàng thanh toán thẻ hoặc sử dụng ứng dụng ngân hàng điện tử để khóa thẻ ngay.

Bên cạnh đó, khách hàng cũng cần lưu ý, phải trả nợ thẻ tín dụng đến hạn khi ngân hàng thông báo để tránh phát sinh nợ xấu ngoài mong muốn.

thanh-toan-bang-ma-qr-02-1714873120.jpg
Mã QR đang hiện hữu ở khắp mọi nơi, khi chúng ta đi ăn uống hay mua sắm, dù ở trung tâm thương mại, cửa hàng, chợ dân sinh. (Ảnh minh họa)

Thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nhằm thúc đẩy, tạo thuận lợi cho các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, tiện ích, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Trong đó, tập trung triển khai, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho phép các tổ chức tín dụng có thể tổ chức xác minh thông tin nhận biết khách hàng, làm sạch dữ liệu và hỗ trợ khách hàng trong tiếp cận các dịch vụ ngân hàng.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, chi trả an sinh xã hội. Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật hoạt động thanh toán, ngân hàng, phối hợp xử lý tội phạm công nghệ cao; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng; đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng./.

Trong 5 năm, từ 2018 - 2023, số lượng giao dịch qua QR code tại Việt Nam tăng trưởng đến trên 470% mỗi năm. Với kết quả ấn tượng đó, trong năm 2024, việc phát triển QR code toàn diện hơn nữa đang được các đơn vị đầu tư đẩy mạnh. Trong năm 2024, QR code được dự báo sẽ tiếp cận nhiều hơn nữa đến với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Chính phủ cũng đặt mục tiêu giảm tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt xuống chỉ còn 8% vào năm 2025, điều này mở ra cơ hội lớn cho các ngân hàng và trung gian thanh toán sáng tạo các giải pháp thanh toán mới trên nền tảng QR code, có thể tạo nên một cuộc cách mạng trong công cuộc hướng đến xã hội không tiền mặt.

Bình Châu