Thanh Hóa thu hút hơn 4.164 tỷ đồng đầu tư vào nông nghiệp

Với 12 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, có tổng mức đầu tư hơn 4.164 tỷ đồng, tỉnh Thanh Hóa đang có bước tiến mới để đưa nông nghiệp tỉnh nhà trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
thu-hut-dau-tu-1-1728568193.jpg
Chỉ trong vòng 9 tháng năm 2024, Thanh Hóa đã thu hút hơn 4.164 tỷ đồng đầu tư vào nông nghiệp

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho thấy, chỉ trong 9 tháng năm 2024, tỉnh này đã thu hút 4.160 tỷ đồng cho 12 dự án nông nghiệp lớn. Đây được xem nền tảng vững chắc để đưa nền nông nghiệp xứ Thanh bứt phá, vươn lên thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Theo đó, các dự án này tập trung vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong nông nghiệp, từ chế biến gỗ, sản xuất ván đến các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Điều đáng chú ý là một số dự án có quy mô đầu tư lớn, hứa hẹn sẽ tạo ra những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tại Dự án Nhà máy sản xuất ván tre OSB STABOO tại xã Thiết Ống, huyện Bá Thước Với tổng mức đầu tư 3.199 tỷ đồng, dự án này được kỳ vọng sẽ tạo ra sản phẩm gỗ thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Theo kết hoạch, Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 của dự án sẽ xây dựng nhà băm tre, nhà nghiền, nhà nghiền khô, khu lò hơi, phụ trợ lò hơi, xưởng sản xuất + phòng phân phối trạm biến áp đầu vào, hố xuất hàng, kho sinh khối, kho mùn cưa, kho lưu trữ tre lớn, kho lưu trữ tre nhỏ, xưởng hoàn thiện bề mặt, nhà phụ trợ sản xuất, trạm bơm nước, bể nước, khu xử lý nước thải, nhà cân, nhà thể chất, nhà bảo vệ...Giai đoạn 2 dự án sẽ xây dựng bốt bảo vệ và các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật, phụ trợ liên quan.

thu-hut-dau-tu-2-1728568573.jpg
Dự án Nhà máy sản xuất ván tre OSB STABOO tại xã Thiết Ống, huyện Bá Thước đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động địa phương (ảnh minh họa)

Dự án này được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định hiện hành của pháp luật nếu nhà đầu tư thực hiện đúng với hồ sơ đăng ký, đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho các sở, ngành, địa phương tích cực hỗ trợ doanh nghiệp sớm hoàn thành các thủ tục đầu tư để sớm triển khai thực hiện dự án.

Dự kiến, khi nhà máy đi vào hoạt động, sẽ giải quyết nhu cầu việc làm cho 3.000 lao động, liên kết bao tiêu sản phẩm tre luồng cho tất cả các huyện miền núi và những vùng phù cận.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của dự án này, ông Ngọ Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước khẳng định, đây là một trong những dự án có quy mô lớn nhất không chỉ của Bá Thước mà còn của các huyện miền núi tại Thanh Hóa trong nhiều năm qua, vì vậy địa phương sẽ triển khai ngay các công việc để dự án sớm được khởi công.

Cũng theo ông Hải, nhờ làm tốt công tác xúc tiến đầu tư nên trong một năm qua, huyện đã đón nhiều nhà đầu tư với các dự án lớn, sẽ giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Không chỉ dừng lại ở đó, trong đầu năm 2024, tỉnh Thanh Hóa cũng thu hút được một đại dự án về chế biến gỗ ở Khu kinh tế Nghi Sơn đấy với tổng mức đầu tư lên đến 203 tỷ đồng. Khi dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm gỗ, tạo ra nhiều việc làm cho người dân địa phương.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai dự án, các sở, ban, ngành của tỉnh và chính quyền các địa phương đã tích cực phối hợp, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng được đẩy mạnh, tạo điều kiện để các dự án sớm đi vào hoạt động.

Việc thu hút thành công các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh mà còn tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, các dự án này cũng góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững./.

Hà Khải