Thanh Hóa tập trung phòng trừ sâu bệnh cho lúa Thu Mùa 2024

Những ngày qua, thời tiết mưa nhiều khiến sâu bệnh phát triển mạnh, để bảo vệ lúa vụ mùa sinh trưởng, phát triển tốt, ngành nông nghiệp đang tích cực phối hợp với các địa phương trong tỉnh hướng dẫn bà con nông dân thực hiện các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh gây hại vụ lúa Thu Mùa 2024.
may-bay-phun-lua-1722911376.jpg
Thanh Hóa tập trung phòng ngừa sâu bệnh cho lúa vụ Thu Mùa 2024.

Theo Báo cáo của Phòng Bảo vệ thực vật (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa), từ nay đến cuối vụ, sâu cuốn lá nhỏ tiếp tục gây hại rải rác tại các ruộng lúa bón nhiều đạm, lá xanh tốt, rậm rạp. Sâu non sẽ xuất hiện và gây hại nhẹ đến trung bình trên các trà lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh đứng cái đến ôm đòng.

Ngoài ra, thời tiết mưa nhiều còn khiến các bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng tiếp tục nhân nhanh mật độ và gây hại nhẹ trên lúa cuối giai đoạn đứng cái đến ôm đòng. Đặc biệt lưu ý, do ảnh hưởng của bão số 2 vừa qua, rầy di cư có thể gây bệnh lùn sọc đen Phương Nam, do rầy có thể mang vi-rút lùn sọc đen di trú theo bão vào Việt Nam... cần theo dõi chặt chẽ, xác định thời điểm rộ và mật độ để phòng trừ một cách hiệu quả.

Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực phối hợp với các địa phương trong tỉnh điều tra, theo dõi các đối tượng sâu bệnh trên cây trồng vụ thu mùa 2024. Đồng thời, thực hiện các biện pháp điều tiết nước hợp lý, duy trì mực nước từ 3 - 5cm trên mặt ruộng kết hợp bón phân đầy đủ, hợp lý để cây lúa sinh trưởng phát triển, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh.

Ghi nhận thực tế tại huyện Như Thanh cho thấy, đến thời điểm hiện tại, tất cả các cánh đồng đều được bà con chủ động phun thuốc trừ sâu, trừ rệp, để đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt.

Ông Lương Hồng Sỹ, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Như Thanh cho biết: “Ngay sau cơn bão số 2 kết thúc, phòng nông nghiệp phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân kiểm tra đồng ruộng và chủ động áp dụng các biện pháp phòng trừ hiệu quả, bằng một số loại thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu, đối với những vùng bị nhiễm nặng và có nguy cơ lây lan trên diện rộng cần tiến hành phòng trừ kép lần 2. Chỉ đạo chăm sóc, tập trung bón đón đòng sớm tạo điều kiện cho lúa phân hóa đòng tốt nhất, góp phần tăng năng suất.

Những diện tích bị ngập úng cần tập trung tiêu úng, thoát nước nhanh chóng, kịp thời, ưu tiên bơm tiêu nhanh cho những diện tích lúa bị ngập nặng. Hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu để bảo vệ thiên địch và tránh việc bùng phát dịch về giai đoạn sau”.

Đối với các diện tích lúa cuối giai đoạn đẻ nhánh đến đứng cái, nếu mật độ sâu cuốn lá nhỏ từ 50 com/m2 trở lên hướng dẫn người dân tiến hành phun phòng trừ. Cùng với đó, các địa phương tăng cường kiểm soát việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc ngoài danh mục, thuốc hết hạn sử dụng và lợi dụng tình hình dịch bệnh để bán kèm thuốc không đúng chủng loại và tăng giá thuốc; phân công cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, theo dõi tình hình sâu bệnh hại, dịch hại gây ra để có biện pháp chủ động phòng trừ kịp thời.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cũng khuyến cáo người dân cần thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời với những ảnh hưởng xấu của thời tiết gây ra.

Vụ mùa năm 2024 toàn tỉnh Thanh Hóa đã gieo cấy 111.826,5ha/112.900ha lúa (đạt 99,05% kế hoạch). Hiện tất cả các cánh đồng lúa đều đang sinh trưởng và phát triển tốt./.

Hà Khải