Xuất hiện bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra công điện phòng trừ

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ký ban hành công điện về việc phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông hại lúa vụ Xuân 2024 trên địa bàn tỉnh.

435086363-2508033636055677-5049099320951169660-n-1712802349.jpg
Xuất hiện bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa Xuân, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra công điện phòng trừ.

Hiện tại, lúa Xuân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đang trong giai đoạn trổ bông. Cùng với việc bệnh đạo ôn cổ bông đã xuất hiện trên một số diện tích tại các xã Xuân Hội, Đan Trường (Nghi Xuân) và diễn biến thời tiết có nhiều bất lợi. Do vậy, để chủ động phòng chống bệnh trên lúa, thay mặt chủ tịch UBND tỉnh, phó Ct UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ký ban hành công điện về việc phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bong hại lúa Xuân năm 2024.

Công điện của UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo, yêu cầu các địa phương báo cáo đầy đủ, kịp thời tình hình sản xuất, diện tích lúa nhiễm bệnh và công tác chỉ đạo phòng trừ dịch bệnh, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng dấu dịch.

Theo Sở NN&PTNT, hiện nay, lúa vụ Xuân giai đoạn phân hóa đòng - trổ bông. Đến ngày 9/4/2024, có khoảng 500 ha lúa đã trổ bông tại một số xã thuộc các huyện Nghi Xuân, huyện Can Lộc, Lộc Hà, Đức Thọ. Dự kiến thời gian trổ của lúa vụ Xuân 2024 như sau: trước ngày 15/4 khoảng 6.000 ha tại các huyện Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Lộc Hà, Nghi Xuân… Từ ngày 15 - 25/4 khoảng 45.000 ha trên địa bàn toàn tỉnh, số diện tích còn lại khoảng 9.000 ha trổ sau ngày 25/4.

436383025-2508034286055612-8300868705630050797-n-1712802467.jpg
Hiện nay, lúa Xuân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đang vào giai đoạn trổ bông.

Theo báo cáo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, nhiệt độ trung bình 3 tháng đầu năm 2024 cao hơn trung bình nhiều năm và trung bình của những năm gần đây từ 1,5 - 1,60C là yếu tố tác động làm lúa vụ Xuân trổ sớm so với khung lịch thời vụ từ 7 - 10 ngày. Từ nay đến cuối tháng 4 nền nhiệt độ không cao, hướng gió chủ đạo là hướng Đông Nam, Đông và Đông Bắc tạo nên hình thái thời tiết khá nhiều mây, một số ngày có mưa, nhiệt độ thấp (23 - 250C), độ ẩm cao (trên 90%) về đêm và sáng sớm.

Như vậy, với hình thái thời tiết trên, cùng với nguồn bệnh đạo ôn sẵn có trên đồng ruộng là các yếu tố thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh, phát triển và có nguy cơ gây thiệt hại đối với năng suất, sản lượng lúa vụ Xuân.

Để chủ động phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông, bảo vệ an toàn sản xuất, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các phòng chức năng, trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng, vật nuôi và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường giám sát đồng ruộng, kịp thời kiểm tra tình hình sinh trưởng, xác định thời gian trổ của từng trà lúa, từng cánh đồng, từng vùng sinh thái, từng giống để có các giải pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả trong quá trình chỉ đạo, hướng dẫn phòng trừ dịch bệnh.

Chú trọng trên các diện tích gieo cấy các giống mẫn cảm với bệnh đạo ôn như: VNR20, Thái Xuyên 111, ADI 168, Hương Bình, P6, XT28... các vùng thường nhiễm bệnh tại các huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh; Đức Thọ; Cẩm Xuyên; Can Lộc; Thạch Xuân, Thạch Hà; Tân Mỹ Hà, Hương Sơn; Kỳ Anh và các diện tích có nguy cơ nhiễm bệnh.

436814205-2508034326055608-5563402242485711963-n-1712802467.jpg
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh (đội mũ) kiểm tra tình hình dịch bệnh trên lúa Xuân.

Thành lập các tổ công tác trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương, bà con nông dân tổ chức phòng trừ bệnh kịp thời, hiệu quả. Chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn, đặc biệt là hệ thống truyền thanh cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, tăng cường thời lượng phát thanh, thông tin kịp thời về tình hình sản xuất, diễn biến thời tiết và các biện pháp kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật ở cơ sở và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Các địa phương báo cáo đầy đủ, kịp thời tình hình sản xuất, diện tích lúa nhiễm bệnh và công tác chỉ đạo phòng trừ dịch bệnh trên địa bàn về Sở NN&PTNT trước 16 giờ hằng ngày, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng dấu dịch.

thantrongsaubenh-1712802349.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu người dân, các cơ quan chuyên môn phải the dõi sát diễn biến dịch bệnh trên lúa.

Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã nào chủ quan, thiếu quyết liệt trong tổ chức, chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, để dịch bệnh phát sinh gây hại trên diện rộng, gây thiệt hại đối với sản xuất phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Giám đốc Sở NN&PTNT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn bám sát cơ sở, kiểm tra, giám sát tình hình lúa trổ bong. Thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo, cảnh báo thời gian phát sinh, mức độ gây hại của dịch bệnh và hướng dẫn các biện pháp phòng trừ. Duy trì hoạt động của các Tổ công tác để phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tổ chức phòng trừ dịch bệnh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn. Báo cáo tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh và kết quả phòng trừ ở các huyện, thành phố, thị xã về UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo.

Sở TT&TT hướng dẫn các cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT thường xuyên tuyên truyền và đưa tin về diễn biến bệnh đạo ôn cổ bông gây hại lúa vụ Xuân và các giải pháp phòng trừ để người dân kịp thời nắm bắt thông tin, chủ động ứng phó.

436363717-2508034442722263-2289669630558454135-n-1712802356.jpg
Hiện nay, đã xuất hiện bệnh đào ôn cổ bông lúa tại một số xã của huyện Nghi Xuân.

Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn đoàn viên, hội viên thực hiện công tác phòng trừ dịch bệnh kịp thời, đúng quy trình kỹ thuật.

Giao Sở NN&PTNT theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện; theo chức năng, nhiệm vụ chủ động thực hiện các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, kịp thời tổng hợp, báo cáo, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý các nội dung phát sinh vượt thẩm quyền./.

Nguyễn Duyên