Lo ngại dịch châu chấu tre lưng vàng tiếp tục lan rộng, Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo cách phòng trừ

Trước nguy cơ châu chấu lưng vàng phát triển trên diện rộng ở nhiều địa phương ở miền Bắc, Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo các địa phương phòng trừ dịch hại phù hợp với từng giai đoạn phát triển của châu chấu. Người dân áp dụng biện pháp diệt châu chấu tre theo thứ tự: sử dụng vợt bắt cho gia cầm ăn, ngâm ủ thành phân hữu cơ hoặc tiêu hủy; phun thuốc bảo vệ thực vật theo hình thức bao vây, cuốn chiếu.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, châu chấu tre lưng vàng được dự báo tiếp tục nở, mật độ tăng và gây hại tre, luồng, vầu... tại khu vực châu chấu sinh sản hàng năm thuộc các tỉnh, thành phố như: Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Bắc Kạn, Lạng Sơn…

chau-chau-tre-lung-vang-1-1719906920.jpg
Các địa phương cần tổ chức tập huấn về cách nhận biết và kỹ thuật phòng trừ châu chấu tre lưng vàng cho các hộ nông dân.

Những địa phương đã có châu chấu tre lưng vàng phát sinh gây hại cần tổ chức điều tra, theo dõi, phát hiện và xử lý ngay từ khi mới nở, không để lây lan ra diện rộng, đặc biệt tại những điểm có nhiều xác châu chấu trưởng thành chết từ những năm trước và khu vực đẻ trứng tập trung; theo dõi, xác định vị trí di chuyển của châu chấu tre.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các xã thông báo tình hình châu chấu tre gây hại cùng các biện pháp chỉ đạo phòng trừ; thông tin tuyên truyền, hướng dẫn chủ rừng và nông dân tăng cường kiểm tra các diện tích rừng vầu, nứa, tre, luồng trên địa bàn; phát hiện và phòng trừ sớm và báo ngay với cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.

chau-chau-tre-lung-vang-2-1719906968.jpg
Các biện pháp diệt châu chấu theo thứ tự: sử dụng vợt bắt cho gia cầm ăn, ngâm ủ thành phân hữu cơ hoặc đem tiêu hủy; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ.

Các địa phương chỉ đạo tới tất cả các xã thông báo tình hình châu chấu tre gây hại cùng các biện pháp chỉ đạo phòng trừ. Cùng với đó là thông tin tuyên truyền, hướng dẫn chủ rừng và nông dân tăng cường kiểm tra các diện tích rừng vầu, nứa, tre, luồng trên địa bàn; phát hiện và phòng trừ sớm.

Báo ngay với cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời. Địa phương tổ chức tập huấn về cách nhận biết và kỹ thuật phòng trừ châu chấu tre lưng vàng cho các hộ nông dân; đồng thời, chủ động huy động mọi nguồn lực hỗ trợ nông dân tiến hành phun thuốc diệt trừ châu chấu khi chúng di chuyển xuống gây hại cây trồng nông nghiệp.

Đối với các địa phương chưa phát hiện có châu chấu tre lưng vàng cần phải tăng cường tổ chức điều tra, theo dõi, dự báo khả năng phát sinh phát triển của châu chấu tre lưng vàng để chủ động phương án phòng, chống, kịp thời ngăn chặn phát sinh gây hại trên diện rộng.

chau-chau-tre-lung-vang-3-1719906902.jpg
Châu chấu hiện nay đang ở độ tuổi từ 2 đến 3 tuổi, đây là phòng trừ hiệu quả nhất. (Ảnh minh họa)

Châu chấu non có nhiều loài thiên địch sử dụng chúng là thức ăn như gia cầm, chim, thú ăn tạp, bò sát..., nhưng khi châu chấu bùng phát số lượng lớn cần khuyến khích người dân áp dụng các các biện pháp diệt châu chấu theo thứ tự: sử dụng vợt bắt cho gia cầm ăn, ngâm ủ thành phân hữu cơ hoặc đem tiêu hủy; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ.

Khi phun cần phun theo hình thức bao vây, cuốn chiếu để tăng hiệu quả. Trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam hiện nay có 3 loại thuốc bảo vệ thực vật đăng ký phòng trừ châu chấu tre lưng vàng có hoạt chất là Imidacloprid (Anvado 100WP), Thiosultap-sodium/Nereistoxin (Neretox 95WP), Emamectin benzoate + Lufenuron (Lufen extra 100EC).

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo: "Châu chấu tre lưng vàng hàng năm vẫn xuất hiện, tuy nhiên có năm nhiều năm ít là do mình phòng trừ. Châu chấu hiện nay đang ở độ tuổi từ 2 đến 3 tuổi, giờ phòng trừ rất hiệu quả. Cứ phun thuốc là phòng trừ được".

Cục Bảo vệ thực vật cũng lưu ý, các địa phương tổ chức tập huấn về cách nhận biết và kỹ thuật phòng trừ châu chấu tre lưng vàng cho các hộ nông dân. Đồng thời, chủ động huy động mọi nguồn lực hỗ trợ nông dân tiến hành phun thuốc diệt trừ châu chấu khi chúng di chuyển xuống gây hại cây trồng nông nghiệp./.

PV