Thanh Hóa nỗ lực cùng cả nước gỡ bỏ lệnh cấm IUU

Với quan điểm, gỡ “thẻ vàng” không chỉ đơn thuần là ngăn chặn các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định, mà đây còn là cơ hội để nâng cao giá trị hải sản trên trường quốc tế, những năm qua, Thanh Hóa đã nỗ lực từng bước gỡ bỏ lệnh cấm của EU.
go-the-vang-1-1716602199.jpg
Tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực cùng cả nước gỡ bỏ thẻ vàng IUU.

Dự kiến tháng 9 hoặc tháng 10/2024, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam thanh tra thực tế lần thứ 5 về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), để xem xét gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam. Thanh Hóa được dự báo là một trong những địa phương trọng điểm tại đợt thanh tra này.

Cấp bách chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Thanh Hóa là một tỉnh có 102km chiều dài bờ biển, với 17.000km2 nằm trải dài 6 huyện thị xã, thành phố (Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Sầm Sơn, Quảng Xương, Nghi Sơn). Với hơn 30% dân số hoạt động trong nghề đánh bắt hải sản, cùng với 5.946 tàu thuyền các loại tham gia đánh bắt cá.

Trong những năm qua, thực hiện nghiêm các quy định cuả chính phủ về đề án khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều biện pháp cấp bách trong việc khắc phục những tồn tại trong khai thác hải sản bất hợp pháp không khai báo và không theo quy định.

Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành một số công văn, quyết định nhằm cụ thể hóa chỉ thị của trung ương trong công tác phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, thể hiện sự quyết tâm gỡ bỏ lệnh cấm của liên minh châu Âu. Xác định rõ mục tiêu, quan điểm về việc gỡ thẻ vàng không chỉ đơn thuần là việc các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo, mà đây còn là cơ hội để nâng cao chất lượng hải sản của Thanh Hóa nói riêng và Việt nói chung trên thị trường quốc tế. Từ đó xây dựng phương án phù hợp để tuyên truyền cho ngư dân hiểu và làm theo.

Để khắc phục hạn chế sau lần thanh tra thứ 4 của Ủy ban châu Âu, tháng 3/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công điện số 04/CĐ-2024 về triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Thanh Hoá đã triển khai tháng cao điểm thực hiện các giải pháp cấp bách chống khai thác IUU. Trong đó, trọng tâm là quản lý tốt đội tàu, duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS) và quản lý tốt sản lượng hải sản qua cảng. Ngoài tổ chức tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác, đánh bắt trên ngư trường, lực lượng chức năng còn thành lập các tổ liên ngành phối hợp với địa phương “đi tận bến, đến tận thuyền” để tuyên truyền, giáo dục nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức trong ngư dân, quyết tâm sớm khắc phục các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu.

Từ đầu năm 2024 đến nay, ngành chức năng và các địa phương tại Thanh Hóa đã cấp phát 12.000 sổ tay, 4.000 tờ rơi, xây dựng 6 phóng sự tuyên truyền về chống khai thác IUU cho cán bộ quản lý các cấp và ngư dân. Tỉnh này đã tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao nhận thức về chống khai thác IUU, phổ biến các nội dung cơ bản của Luật Thủy sản và các quy định liên quan cho hơn 200 cán bộ, nhân viên các cảng cá và ngư dân. Cùng với đó, vận động chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không khai thác vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài.

4 tháng đầu năm 2024, các lực lượng chức tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện và xử lý vi phạm 38 trường hợp với tổng số tiền phạt trên 513 triệu đồng, liên quan đến các lỗi, như: ngắt kết nối giám sát hành trình, không ghi nhật ký khai thác, không báo cáo khi cập cảng, rời cảng; khai thác sai vùng…

go-the-vang-2-1716602303.jpg
Cán bộ cảng cá Lạch Hới đang kiểm tra, hướng dẫn ngư dân ghi chép nhật ký đánh bắt cá.

Theo đó, nếu lần này chúng ta không gỡ được thẻ vàng, thì lệnh cấm của EC sẽ tiếp tục kéo dài thêm 3 năm. Chính bởi vậy, trong những phút “trót” này, Thanh Hóa đã và đang duy trì những kết quả đã đạt được, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, xử lý, để tạo chuyển biến trong ngư dân.

Những tín hiệu vui trong nỗ lực gỡ "thẻ vàng"

Nhờ những nỗ lực của chính quyền địa phương, lực lượng chức năng và sự đồng lòng của ngư dân, chủ tàu, thuyền trưởng, nên trong những năm qua số vụ vi phạm về IUU tại Thanh Hóa có sự chuyển biến tích cực. Đến nay toàn tỉnh này có 1.100/1.112 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỉ lệ gần 99% tàu cá vùng khơi, chỉ còn 12 tàu chưa lắp đặt do chủ phương tiện lâu nay đã không sử dụng.

Bên cạnh đó, việc ghi chép nhật ký khai thác và thông tin tàu cá ra vào cảng đối với các chủ tàu cũng được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Không để xảy ra tình trạng tắt thiết bị định vị trong quá trình khai thác.

Ông Lê Văn Hải, ngư dân phường Quảng Tiến cho biết: “Sau những lần tập huấn hướng dẫn của các cấp về khai thác hải sản bất hợp pháp, không theo quy định đã giúp chúng tôi hiểu rõ về các quy định, từ đó mỗi ngư dân đồng thuận chấp hành theo, góp phần giúp giá trị của tôm cá được tăng lên. Ngoài ra, chúng tôi cũng thành lập các tổ, nhóm để tự giám sát nhau trong quá trình ra khơi đánh bắt”.

Để đảm bảo các tàu cá đủ điều kiện mới được ra khơi, các cơ quan chức năng Thanh Hóa đã bố trí lực lượng thường trực 24/24h để thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá cập bến, xuất bến. Tại 3 cảng cá chỉ định là Cảng cá Lạch Hới (thành phố Sầm Sơn), Cảng cá Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn) và Cảng cá Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc) từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã giám sát 782 lượt tàu rời cảng, 436 lượt tàu cập cảng, thu 436 nhật ký khai thác thủy sản (đạt 100% số tàu cập cảng); sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng được ghi nhận, thống kê đạt 1.980,34 tấn. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ.

Ông Lê Bá Quyết, Phó trưởng Phòng NN&PTNN huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) chia sẻ: “Hiện nay, đa số ngư dân đã nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc chấp hành nghiêm các quy định khai thác đánh bắt cá không khai báo, không theo quy định, chuyển từ khai thác tự nhiên mang tính tận diệt sang khai thác có trách nhiệm. Vì nếu vi phạm sẽ bị xử phạt rất cao, trong khi cả tàu của họ thanh lý toàn bộ cũng không đủ để nộp phạt.

Ngoài ra, do trữ lượng hải sản đã bắt đầu cạn kiệt, giá dầu lại cao, nhiều chuyến không đủ chi phí nên phần lớn họ cũng chuyển dần về nuôi trồng, vừa hiệu quả lại an toàn”.

Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa, hiện nay tại địa phương này vẫn còn một số chủ tàu, thuyền trưởng chưa ghi hoặc ghi chưa đầy đủ nhật ký khai thác thủy sản, một số tàu trên 15m chưa duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động trên biển. Số lượng tàu cá vẫn nhiều, việc chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân vẫn còn chậm.

Để có thể giải quyết ổn thỏa công ăn việc làm cho số lượng lớn ngư dân, nhiều địa phương đã chủ động liên hệ với các khu công nghiệp để khi ngư dân “lên bờ” sẽ có việc làm. Ngoài ra, chính quyền còn phối hợp với các trung tâm đào tạo nghề nghiệp, mở những lớp tập huấn về kỹ năng, hướng nghiệp. Đây được xem là những tín hiệu vui để gỡ bỏ “rào cản” pháp lý, để nâng tầm vị của Việt Nam trên trường quốc tế./.

Hà Khải