Cơ hội cuối cùng để gỡ 'thẻ vàng IUU' nếu không sẽ phải chờ thêm 3 năm nữa

Đợt kiểm tra khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) lần thứ 5 tới đây sẽ là cơ hội cuối cùng để gỡ "thẻ vàng IUU) nếu không gỡ được sẽ phải chờ thêm 3 năm nữa.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh tại cuộc họp triển khai thực hiện chống khai thác IUU vừa được tổ chức vào ngày 21/5.

go-the-vang-thuy-san-01-1716347130.jpg
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, nếu không gỡ được thẻ vàng trong đợt thanh tra sắp tới, Việt Nam phải mất 3 năm mới mới có thể đón đoàn EC tiếp theo. (Ảnh tư liệu)

Vẫn còn hơn 15 nghìn tàu cá "3 không"

Theo Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT), tính đến cuối năm 2023 cả nước vẫn còn hơn 15 nghìn tàu cá "3 không" (không đăng kiểm, không đăng ký, không giấy phép). Đây sẽ là rào cản trong nỗ lực gỡ bỏ thẻ vàng EC của ngành thủy sản Việt Nam.

Nhiều năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị công tác phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp tại các địa phương ven biển đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên vẫn còn 5 khuyến nghị từ Ủy ban Châu Âu cần các địa phương nhanh chóng kiểm soát và một trong những vấn đề này là tình trạng tàu cá "3 không" (không đăng kiểm, không đăng ký, không giấy phép hoạt động).

Việc tàu cá không được cấp đăng ký, đăng kiểm, giấy phép nhưng vẫn ra khơi khai thác hải sản không chỉ gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, gây thiệt hại cho ngư dân nếu gặp sự cố trên biển.

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết sau hơn 6 năm chống khai thác IUU (từ ngày 23/10/2017 đến nay), các ban, bộ, ngành, địa phương đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách vẫn chưa bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, tính từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 của EC đến nay tiếp tục xảy ra 17 tàu/190 ngư dân bị các nước bắt giữ.

go-the-vang-thuy-san-04-1716347188.jpg
Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. (Ảnh minh họa)

Đến nay tại một số địa phương vẫn chưa triển khai thống nhất, đồng bộ trong cả nước Hệ thống Truy xuất nguồn gốc điện tử để theo dõi, kiểm soát công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước trong khi chỉ đạo của Thủ tướng là phải hoàn thành, báo cáo kết quả trước ngày 31/12/2023.

Hiện cả nước còn khoảng 15.198 tàu cá "3 không". Tình trạng tàu cá vi phạm quy định ngắt kết nối VMS tiếp tục xảy ra phổ biến, từ đầu năm 2023 đến nay xảy ra gần 5.000 lượt tàu mất kết nối trên 10 ngày. Bên cạnh đó, hành vi vi phạm vận chuyển, gửi thiết bị VMS trên tàu cá khác nhằm trốn tránh sự theo dõi của cơ quan quản lý đang diễn biến phức tạp.

“Việc xác minh, xử phạt các trường hợp mất kết nối VMS theo quy định còn hạn chế; tính riêng đối với khối tàu từ 24 mét trở lên vi phạm mới đạt khoảng trên 10%; hầu như chưa xử phạt hành vi ngắt kết nối trên 6 tiếng không thông báo vị trí theo quy định”, ông Hùng thông tin.

"Để phía EC gỡ 'thẻ vàng' IUU cho Việt Nam trong lần kiểm tra tới đây, các địa phương phải ngăn chặn tối đa tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, kiên quyết xử lý triệt để những tàu cá vi phạm", ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN-PTNT).

go-the-vang-thuy-san-02-1716347117.jpg
Công tác phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp tại các địa phương ven biển đã có nhiều chuyển biến tích cực. (Ảnh minh họa)

Nhiều địa phương chưa tích cực về chống khai thác IUU

Chỉ đạo tại cuộc họp triển khai thực hiện chống khai thác IUU vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thẳng thắn chia sẻ: "Tôi đã đến hàng chục cảng cá, lật từng cuốn sổ ghi chép, nhiều lúc thấy ngượng với lãnh đạo địa phương vì đến rồi, hướng dẫn rồi nhưng chưa có chuyển biến gì một cách tích cực về chống khai thác IUU".

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, tỷ lệ xử lý vi phạm trong khai thác tương đối thấp, theo số liệu của Cục Kiểm ngư là khoảng 10%, điều này khiến phía EC cho rằng, những biện pháp mà Việt Nam đưa ra chưa đủ sức răn đe.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương bố trí nguồn lực, đảm bảo trực ban 24/24 giờ; theo dõi, giám sát 100% tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá, nắm rõ và xử lý nghiêm từng trường hợp vi phạm quy định về mất kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá.

go-the-vang-thuy-san-03-1716347281.jpg
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra chống khai thác IUU tại Bình Định vào tháng 3/2024. (Ảnh tư liệu)

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong chuyến công tác châu Âu tháng 4 vừa qua, phía EC cơ bản vẫn tập trung vào 4 nhóm khuyến nghị: hoàn thiện khung pháp lý; tăng cường quản lý tàu cá; kiểm soát việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; xử lý tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài. Theo đó, các địa phương phải thực hiện tốt những khuyến nghị này, bởi lần kiểm tra thứ 5 tới đây của EC  là "cơ hội cuối cùng", bởi Nghị viện châu Âu sắp bầu cử.

"Nếu không thể xóa "thẻ vàng" IUU dịp này, Việt Nam sẽ phải chờ khoảng 3 năm nữa để đón đoàn kiểm tra tiếp theo", ông Tiến nói.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu Bộ NN&PTNT gấp rút tổ chức hội nghị toàn quốc phổ biến Chỉ thị 32 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản, theo tinh thần hướng dẫn trước, rà soát sau, không thể để tình trạng "kiểm tra mãi mà chẳng biết mình sai ở đâu"./.

Bình Nguyên