Cao điểm chống IUU lãnh đạo Chính phủ sẽ trực tiếp kiểm tra tại các địa phương

Lãnh đạo Chính phủ dự kiến cùng thị sát với đoàn công tác liên ngành về hạ tầng cảng cá, giữa 2 đợt họp của Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Nếu không có gì thay đổi, Phó Thủ tướng sẽ cùng đoàn kiểm tra một trong số các địa phương Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng.

Thông tin được ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chống IUU của Bộ NN&PTNT chia sẻ ngày 21/5.

cao-diem-go-the-vang-thuy-san-01-1716300629.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang kiểm tra tình hình thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) vào tháng 6 năm 2023. (Ảnh minh họa)

Phó Thủ tướng sẽ cùng đoàn kiểm tra một số địa phương

Theo đó, chuyến đi của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dự kiến diễn ra trong khoảng từ ngày 9/6 đến 16/6. Cũng trong thời gian này, Cục Kiểm ngư đề xuất thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, gồm Bộ NN&PTNT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an... đến các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ.

Nếu không có gì thay đổi, Phó Thủ tướng sẽ cùng đoàn kiểm tra một trong số các địa phương Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng.

Từ tháng 6 đến khi đoàn kiểm tra EC sang Việt Nam lần thứ 5, Bộ NN&PTNT tổ chức đợt cao điểm chống IUU. Hiện Cục Kiểm ngư đã lập Tờ trình số 385 gửi Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, xin ý kiến về việc tổ chức các đoàn công tác đến toàn bộ 28 tỉnh, thành phố ven biển.

Dựa trên khuyến nghị của EC trong buổi gặp với Bộ NN&PTNT hồi cuối tháng 4/2024, là tập trung xử lý tàu cá vi phạm, đoàn công tác phấn đấu nâng tỷ lệ xử phạt lên khoảng 30%, gấp đôi so với hiện nay.

"Tỷ lệ xử phạt không những thấp mà còn thiếu đồng đều giữa các địa phương. Có nơi làm rất nghiêm túc, xử phạt mạnh nhưng có tỉnh lại xử phạt nhẹ. Phía EC đặc biệt quan tâm nội dung này", Cục trưởng Nguyễn Quang Hùng bày tỏ.

cao-diem-go-the-vang-thuy-san-02-1716300685.jpg
Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện triệt để, quyết liệt các giải pháp để có thể tháo gỡ “thẻ vàng” thủy sản. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh chuyến kiểm tra của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ NN-PTNT - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU - đang kiến nghị và xin ý kiến Thủ tướng về việc trực tiếp kiểm tra cảng cá, trong khoảng tháng 7 hoặc tháng 8.

Trước đó, Thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo quyết liệt về việc chống IUU. Ông nhấn mạnh quan điểm đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong chống khai thác IUU.

Vào cuối tháng 6/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành đã kiểm tra hạ tầng cảng cá tại các tỉnh phía Nam. Đây là chuyến đi trước thềm đợt kiểm tra lần thứ 4 của EC, diễn ra hồi tháng 10/2023.

EC thay đổi lịch đến Việt Nam để kiểm tra về công tác chống khai thác IUU

Bên lề cuộc Họp triển khai thực hiện Kế hoạch IUU, ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT), thông tin EC đã thay đổi lịch đến Việt Nam để kiểm tra về công tác chống khai thác IUU.

Về đợt kiểm tra lần thứ 5 sắp tới, thay vì tháng 5 như dự kiến hồi đầu năm, Cục trưởng Nguyễn Quang Hùng thông tin, phía EC thống nhất với Việt Nam sẽ thực hiện vào khoảng tháng 9, hoặc tháng 10/2024.

"Châu Âu có ý chờ kết quả chúng ta triển khai Nghị định 37 và 38/NĐ-CP vừa ban hành hồi tháng 4/2024, về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản", ông Hùng cho biết.

Do đó, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Kiểm ngư lên kế hoạch cụ thể cho từng tháng, từ nay đến tháng 9. Trong đó, bao gồm kiểm tra thực tế tại các địa phương, hướng dẫn tổ chức thực hiện các quy định trong Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 52 của Chính phủ và một số khuyến nghị trọng tâm của EC đợt vừa qua.

cao-diem-go-the-vang-thuy-san-03-1716300722.jpg
Các bộ, ngành và địa phương cần đặt trách nhiệm cao nhất để gỡ thẻ vàng IUU. (Ảnh minh họa)

Ông Hùng cũng liệt kê 3 giải pháp trọng tâm thực hiện thời gian tới. Thứ nhất, bằng mọi giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu tối đa tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Xử lý nghiêm tàu cá vi phạm, không có vùng cấm.

Thứ hai, quản lý chặt chẽ hơn nữa đội tàu, đảm bảo 100% các tàu cá đi khai thác trên biển đảm bảo đủ điều kiện như lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS), có nhật ký khai thác, phải bật kết nối ngay cả khi nằm bờ...

Thứ ba, xử lý nghiêm những trường hợp mà EC từng phát hiện việc trộn lẫn nguyên liệu thủy sản, hay hợp pháp hóa hồ sơ trái phép. Đặc biệt, các lực lượng sẽ tăng cường kiểm soát, xác nhận nguồn gốc thủy sản tại cảng.

“Những nội dung này cần được tập trung giải quyết dứt điểm và đạt kết quả từ nay đến tháng 9. Chỉ có vậy, Việt Nam mới có cơ hội gỡ thẻ vàng IUU”, ông Hùng nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong đợt kiểm tra lần thứ 4 của Đoàn Thanh tra của EC vào tháng 10/2023, kết quả triển khai công tác chống khai thác IUU có sự tiến bộ so với trước, nhưng chưa giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế nên chưa thể gỡ được cảnh báo "thẻ vàng".

Trong khi đó, việc gỡ "thẻ vàng" IUU là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết vì thị trường EU nằm trong Top 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam, sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và đứng trước Nhật Bản, Hàn Quốc./.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, các đơn vị chức năng cần bám sát 4 nhóm khuyến nghị của EC đã đưa ra đối với Việt Nam. Theo đó, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; ban hành kế hoạch hành động cụ thể; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các đội tàu khai thác, đảm bảo 100% lắp các thiết bị giám sát hành trình, tàu nào không đủ điều kiện không cho xuất bến, không đi khai thác; ban hành kế hoạch truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử, đảm bảo không có việc trộn lẫn hồ sơ, gian lận trong xác nhận chứng nhận nguồn gốc, tăng tỷ lệ xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm.

Bình Nguyên