Thanh Hóa:

Gỡ khó cho lao động xuất khẩu theo chương trình giảm nghèo bền vững

Với phương châm "sâu sát, đồng hành" với từng lao động có nhu cầu xuất khẩu lao động, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã chủ động nắm bắt thông tin, tìm kiếm đơn hàng, giới thiệu công ty có chức năng xuất khẩu lao động uy tín, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi cho người lao động.
xuat-khau-lao-dong-2-1717732420.jpeg
Lao động Thanh Hóa đang hoàn thành thủ tục hồ sơ, chờ xuất cảnh.

Theo Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, người lao động tại các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo, học ngoại ngữ, học nghề, khám sức khỏe, cho đến thủ tục xuất nhập cảnh và cho vay toàn bộ chi phí với lãi suất ưu đãi... 

Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đưa lao động địa phương ra nước ngoài làm việc tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Những năm qua, các ban, sở, ngành liên quan, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về pháp luật, chế độ, chính sách, giúp người lao động hiểu rõ chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về xuất khẩu lao động (XKLĐ). Đồng thời giúp người dân, nhất là lao động vùng sâu, vùng xa tiếp cận đầy đủ thông tin các đơn hàng, nhu cầu tuyển lao động và hỗ trợ pháp lý trong quá trình làm hồ sơ vay vốn, xuất cảnh...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác XKLĐ ở các địa phương cũng gặp không ít khó khăn, bởi nhiều lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo muốn đi XKLĐ nhưng không có chi phí ban đầu để học định hướng, khám sức khỏe; nhiều hộ gia đình và người lao động còn tâm lý không muốn đi làm việc xa, ngại tiếp cận những điều kiện mới...

Nhằm tháo gỡ khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh công tác XKLĐ tại các huyện nghèo, vùng dân tộc thiểu số (DTTS), Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định, hướng dẫn các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc tại nước ngoài, như: Thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 4/3/2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

xuat-khau-lao-dong-1-1717732605.jpg
Nhiều hộ dân xã Quang Chiểu huyện Mường Lát vươn lên thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động.

Chỉ riêng năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã đưa được hơn 10.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt mục tiêu xuất khẩu lao động của cả năm. Theo đó, lao động là người DTTS, lao động là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo sinh sống ở vùng DTTS và miền núi có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài sẽ được hỗ trợ, gồm: hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề; hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ; tiền ăn, ở, sinh hoạt phí, tiền trang cấp đồ dùng cá nhân, tiền đi lại trong thời gian đào tạo; hỗ trợ chi phí làm thủ tục đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài...

Những trường hợp không đủ điều kiện hoặc không lựa chọn được đơn vị thực hiện dịch vụ hoặc người lao động đã hoàn thành khóa học từ trước đó thì thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho người lao động khi đủ điều kiện xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài căn cứ các hóa đơn, chứng từ thực tế...

Theo Sở Lao động và Thương binh xã hội tỉnh Thanh Hóa, công tác giải ngân để hỗ trợ cán bộ làm công tác tư vấn và thân nhân người đi làm việc tại nước ngoài, hỗ trợ người đi làm việc ở nước ngoài theo quy định vẫn còn chậm. Đến nay mới chỉ đạt 11,95% số vốn giao, khiến nhiều lao động gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và tiếp tục triển khai có hiệu quả tiểu dự án 2 về hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ngoài nỗ lực của người dân và các đơn vị đưa người lao động đi XKLĐ, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của các chương trình MTQG trong công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tạo “bệ đỡ” cho người lao động tự tin hơn khi quyết định đi xuất khẩu lao động để thoát nghèo./.

Hà Khải