Tiềm năng phát triển du lịch lớn
Thanh Hóa là địa phương hội tụ nhiều yếu tố tiềm năng phát triển du lịch với những bờ biển, bãi tắm nổi tiếng như: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hoà... Cùng với hệ sinh thái biển phong phú đa dạng. Bên cạnh đó, Thanh Hóa còn là nơi có nhiều hang động và các địa danh, di sản thiên nhiên độc đáo, như: hang Con Moong, động Trường Lâm, động Tiên Sơn, hang Từ Thức, thác Mahao, thác Bảy tầng, vườn quốc gia Bến En, khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên..., trong đó suối cá thần Cẩm Lương là một trong những kiệt tác của tự nhiên.
Cùng với biển, miền núi tỉnh Thanh có Son Bá Mười (Lũng Cao, Bá Thước) có khí hậu ôn đới mát mẻ không kém gì Sa Pa, Tam Đảo. Hệ thống rừng nguyên sinh Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên… với thảm thực vật, động vật phong phú, nhiều loài được ghi trong sách đỏ. Thác Ma Hao, thác Trai Gái, thác Bảy tầng, thác Muốn, thác Voi… đã và đang được khai thác.
Ngoài ra, xứ Thanh còn sở hữu một hệ thống hang động từ rừng tới biển như Hang Bo Cúng, Hang Co Láy, Hang Poong, Hang Luôn Lang, Hang Khua, hang Mường (Thường Xuân), hang Phi (Quan Hóa), động Vĩnh An, động Từ Thức, động Trường Lâm… với các nhũ đá thiên tạo được người đời thêu dệt thành những thiên tình sử diễm lệ. Cùng với hệ thống sông suối chảy qua những bản làng của đồng bào Thái, Mường và đổ ra cửa biển, tạo nên bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp.
Lịch sử đã từng in dấu ấn sâu đậm trên miền đất này trong suốt nhiều nghìn năm dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc. Núi Đọ, hang Con Moong, hang làng Tráng, mái đá Điều; thời đại đồ đá mới: Đa Bút, Cồn Cổ Ngựa, Gò Trũng, Hoa Lộc; thời kỳ văn hóa Đông Sơn với di chỉ khảo cổ học Đông Lĩnh, Cẩm Giang, Đông Sơn, núi Chè… đã minh chứng xứ Thanh là một trong những nơi ngọn nguồn của sự hình thành con người từ thời kỳ đồ đá đến thời kỳ đồ đồng.
Sông Mã không chỉ bồi đắp phù sa tưới tốt ruộng đồng mà còn là nơi khởi nguồn và tỏa rạng nền văn hóa Đông Sơn phát triển rực rỡ khiến cho bạn bè quốc tế phải ngưỡng vọng, tìm hiểu và khám phá. Miền núi địa bàn rộng lớn chiếm 2/3 diện tích cả tỉnh có 6 tộc người sinh sống, điều này tạo nên cho xứ Thanh sự đa dạng về du lịch sinh thái và du lịch tâm linh. Với sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường và “Khăm Panh” của người Thái khá nổi tiếng còn in dấu cổ tích trên mỗi ngọn núi, dòng sông, làng bản miền non cao.
Sử thi Đẻ đất đẻ nước- một áng Mo đồ sộ với trên 2 vạn câu đã phản ánh quan niệm của Mường - Việt cổ về tự nhiên, xã hội, con người. Cây Thần - cây Si trong mo Đẻ đất đẻ nước của người Mường cành ngả ra tới đâu thành bản thành làng tới đó, đồi Lai Ly, Lai Láng chót vót giữa đình trời Mường Ký… giúp cho giới nghiên cứu và khách du lịch khám phá và tìm thấy những quan niệm và triết lý biện chứng về vũ trụ, con người, vòng đời, lễ tục, tín ngưỡng, phương thức sản xuất của những người tối cổ buổi hồng hoang lịch sử, để thả hồn hình theo trí tưởng tượng bay bổng mà hình dung và mường tượng về những con người và địa danh thuở hồng hoang in đậm trong trí nhớ và những câu chuyện cổ của các nghệ nhân dân gian nơi miền Tây xứ Thanh này.
Bên cạnh những ưu điểm về “địa linh” ra, Thanh Hóa còn là nơi phát tích của các vị vua trong tiến trình dựng nước và giữ nước. Theo số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh có 1.535 di tích như: Lam Kinh, Thành nhà Hồ, đền bà Triệu, Lê Hoàn, đền Lý Thường Kiệt, đền Trần Khát Chân, nghè Vẹt, phủ Trịnh, đền Quang Trung… vừa để chiêm bái tỏ lòng biết ơn tiền nhân, ngắm nhìn các kiệt tác về điêu khắc, kiến trúc nghệ thuật, vừa được hòa mình vào các hoạt động lễ hội, trò chơi, trò diễn và các tích trò đặc sắc nơi đây.
Nhiều tiềm năng còn bỏ ngỏ
Bên cạnh những lợi thế nêu trên, để phát triển du lịch bền vững, du lịch ở Thanh Hóa cũng gặp nhiều thách thức. Trong đó phải kể đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng, và hệ thống đường giao thông tại các khu du lịch sinh thái. Ngoài ra, Du lịch tỉnh Thanh đang đối mặt với việc rác thải ảnh hưởng tới môi trường tại các điểm du lịch Sầm Sơn, Hải Hòa, Cửa Đạt, Phủ Na… Tình trạng chèo kéo, bắt chẹt khách, tăng giá tùy tiện đâu đó vẫn còn, gây phản cảm và phiền lòng du khách.
Với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa trong công cuộc đổi mới, xây dựng xứ Thanh thành điểm du lịch trọng điểm của cả nước. Những năm gần đây, du lịch địa phương đã bắt đầu thu hoạch trái ngọt đầu mùa.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, trong 6 tháng đầu năm 2024 các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh đã đón gần 9,8 triệu lượt khách, tăng 16,1% so với cùng kỳ 2023; tổng thu du lịch ước đạt gần 20.000 tỷ đồng, tăng 30,2% so với cùng kỳ 2023.
Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết: “Có được kết quả trên là do thời gian qua địa phương tập trung đẩy mạnh các hoạt động liên kết, xúc tiến, quảng bá du lịch đến các địa phương, doanh nghiệp lữ hành trong cả nước cũng như phát triển tour, tuyến du lịch mới, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.
Cùng với đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã chủ động triển khai, đấu mối với các nhà đầu tư để nắm bắt thông tin kịp thời về tình hình thực hiện dự án, khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị của doanh nghiệp để tham mưu, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án. Đặc biệt, trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa không ngừng đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch trên nhiều nền tảng như tại các cảng hàng không lớn trong nước và trên truyền thông quốc tế”.
Tuy nhiên, kết quả đạt được nêu trên vẫn chưa tương xứng với “khối tài sản” khổng lồ về du lịch mà thiên nhiên ban tặng cho xứ Thanh. Đặc biệt là các địa danh, nơi có thế mạnh lớn về du lịch sinh thái cộng đồng. Tính đến nay, việc khai thác du lịch sinh thái ở Thanh Hóa cũng mới ở dạng manh mún, tự phát, chưa được đầu tư, khai thác một cách đồng bộ.
Ngoài ra, việc phát triển du lịch sinh thái cũng gặp không ít khó khăn vì liên quan đến luật bảo vệ và phát triển rừng. Nghị định 156 quy định cho phép xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Tuy nhiên, Luật Xây dựng không quy định cấp giấy phép xây dựng trên đất lâm nghiệp.
Theo quy định của Luật Xây dựng, để có cơ sở cấp giấy phép xây dựng phải căn cứ vào các quy hoạch xây dựng, bao gồm: Quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thanh Hóa đặt ra mục tiêu đón được 16 triệu lượt khách, tổng thu ước đạt 45.500 tỷ đồng và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025, thuộc nhóm các địa phương có ngành du lịch phát triển của cả nước.
Để thực hiện mục tiêu nêu trên, tỉnh Thanh Hóa đã và đang tập trung triển khai, thực hiện 5 nhóm giải pháp quan trọng: phát triển sản phẩm du lịch Thanh Hóa theo hướng đa dạng loại hình, nâng cao giá trị; tiếp tục phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch nhằm phục hồi ngành du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch với thông điệp "Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa" và "Du lịch Thanh Hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn"; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch từ tỉnh đến cơ sở; phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, chất lượng cao./.