![tuong-lai-so-1-1739164804.jpg](https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/uploads/images/blog/HaVanKhai/2025/02/10/tuong-lai-so-1-1739164804.jpg)
Thanh Hóa đang chứng kiến những bước tiến vượt bậc trong kỷ nguyên thanh toán không tiền mặt (TTKDTM). Sau 3 năm thực hiện Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ TTKDTM trên địa bàn tỉnh đã tăng trưởng ngoạn mục. Năm 2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng, khi TTKDTM không chỉ phổ biến ở các thành phố lớn mà còn lan rộng đến vùng nông thôn, thay đổi thói quen tiêu dùng và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của địa phương.
"Chìa khóa" thay đổi cuộc sống
Ngay sau khi Đề án phát triển TTKDTM được triển khai, các đoàn thể và người dân trong tỉnh đã nhiệt tình hưởng ứng. Đặc biệt, một số tuyến phố, khu chợ tại TP Thanh Hóa đã tiên phong thực hiện "phiên chợ không tiền mặt", "tuyến phố không tiền mặt".
Để hiểu rõ hơn về những lợi ích của TTKDTM, phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp & Kinh tế xanh đã có cuộc trao đổi với người dân. Tại chợ Đông Vệ, TP Thanh Hóa, chị Lê Thị Huê, một tiểu thương, chia sẻ:”Trước đây, tôi còn e ngại với việc thanh toán bằng mã QR. Nhưng giờ đây, tôi thấy việc buôn bán trở nên thuận tiện hơn rất nhiều, không còn lo lắng về tiền giả hay trả lại tiền lẻ”.
Không chỉ giới trẻ, mà ngay cả những người cao tuổi như bà Nguyễn Thị Thủy cũng đã làm quen với hình thức thanh toán này. Bà chia sẻ: “Thay vì phải đến bưu điện để nhận lương hưu, giờ đây tiền tự động chuyển vào tài khoản của tôi mỗi tháng. Tôi cũng có thể dễ dàng thanh toán khi đi chợ hoặc mua sắm bằng điện thoại thông minh”.
Trong lĩnh vực giáo dục, chị Lê Thị Thu Hà, một phụ huynh, cho biết: “Việc nộp học phí qua tài khoản ngân hàng giúp tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Đặc biệt, mọi khoản thu đều được ghi lại rõ ràng, minh bạch, giúp tôi dễ dàng theo dõi và đối chiếu khi cần”.
Những kết quả đáng khích lệ này có được là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, sự đồng hành của ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương. Trong năm 2024, tỉnh đã tập trung vào ba nhóm giải pháp chính: phát triển hạ tầng và dịch vụ thanh toán, đẩy mạnh thanh toán điện tử trong dịch vụ công và tăng cường truyền thông - bảo mật.
Về hạ tầng kỹ thuật, các doanh nghiệp viễn thông đã đầu tư xây dựng mới 336 nhà trạm, cột thu phát sóng thông tin di động và lắp đặt thêm 698 thiết bị 4G và 5G. Đến nay, 99,66% số thôn, bản đã có Internet băng thông rộng di động.
Hệ thống thanh toán ngân hàng cũng được nâng cấp mạnh mẽ với 367 máy ATM/CDM và gần 4.000 máy POS. Các ngân hàng đã tập trung phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại như mở tài khoản, mở thẻ bằng phương thức điện tử (eKYC), thanh toán và rút tiền tại ATM bằng QR Code, thanh toán thẻ chip phi tiếp xúc.
Những con số biết nói
Đến cuối năm 2024, tỷ lệ TTKDTM tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đạt 64,48%, tăng 153% so với cùng kỳ năm trước. Trong lĩnh vực thuế, 100% doanh nghiệp và 91% hộ kinh doanh cá nhân đã đăng ký nộp thuế điện tử. Tỷ lệ TTKDTM trong dịch vụ điện, nước lần lượt là 97,24% và 37%. Trong lĩnh vực giáo dục và y tế, 100% cơ sở giáo dục và toàn bộ 69 đơn vị y tế trong tỉnh đã chấp nhận TTKDTM.
![tuong-lai-so-2-1739164920.jpg](https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/uploads/images/2025/02/10/tuong-lai-so-2-1739164920.jpg)
Tính đến ngày 30/11/2024, trên địa bàn tỉnh có hơn 3,1 triệu tài khoản cá nhân đang hoạt động, bình quân gần 2 tài khoản cho mỗi người từ 15 tuổi trở lên. Số lượng giao dịch TTKDTM đạt trên 251 triệu giao dịch, với doanh số 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 67% về số lượng và 15% về giá trị so với năm trước.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, việc triển khai TTKDTM vẫn còn một số thách thức như mạng lưới ngân hàng chưa phủ khắp vùng sâu, vùng xa, tâm lý e ngại của người dân về an toàn giao dịch và sự thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ.
Năm 2025, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp phát triển TTKDTM, trong đó tăng cường phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện tốt việc TTKDTM; tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục; đẩy mạnh TTKDTM trong chi trả an sinh xã hội; khuyến khích các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa dịch vụ triển khai các hình thức miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán; mở rộng mạng lưới thanh toán đến vùng sâu vùng xa; tăng cường bảo mật và đẩy mạnh truyền thông để thay đổi thói quen thanh toán của người dân. Đặc biệt, tỉnh sẽ chú trọng đào tạo, hướng dẫn kỹ năng thanh toán số cho người cao tuổi và người dân ở khu vực nông thôn, miền núi.
Những kết quả đạt được trong lĩnh vực TTKDTM đã góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi số của tỉnh Thanh Hóa. Với sự quyết tâm của các cấp chính quyền, sự đồng hành của doanh nghiệp và sự hưởng ứng của người dân, Thanh Hóa đang hướng tới một tương lai không tiền mặt, nơi mọi giao dịch trở nên nhanh chóng, tiện lợi và an toàn./.