Du lịch Thanh Hóa trong kỷ nguyên số - Bước tiến từ công nghệ thông minh

Du lịch thông minh không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là động lực giúp Thanh Hóa nâng cao sức hút và năng lượng cạnh tranh. Với việc ứng dụng công nghệ số một cách hiệu quả, xứ Thanh đang từng bước khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn với những trải nghiệm hiện đại.
chuyen-doi-so-1-1739106963.png
Du lịch Thanh Hóa trong kỷ nguyên số.

Ứng dụng công nghệ số trong du lịch

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, ngành du lịch Thanh Hóa đã có những bước tiến đáng kể trong việc ứng dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm của du khách. Việc triển khai các giải pháp du lịch thông minh không chỉ giúp quảng bá hình ảnh du lịch Thanh Hóa mà còn tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, tạo cơ hội để ngành du lịch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong thời đại số, Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ trong quản lý và quảng bá du lịch. Một trong những sáng kiến quan trọng là việc xây dựng hệ thống du lịch thông minh (Smart Travel), tích hợp công nghệ số vào các điểm đến quan trọng. Đến nay, hệ thống này đã được áp dụng tại tám khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh như Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, Di sản văn hóa Thành Nhà Hồ, Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông…

Tại Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, du khách có thể truy cập trang web chính thức để tìm hiểu thông tin, đặt vé trực tuyến, đồng thời trải nghiệm không gian ảo của khu di tích qua ứng dụng MobiFone Smart Travel. Hệ thống thuyết minh tự động cũng được lắp đặt tại 20 điểm trong khu di tích, giúp du khách tiếp cận thông tin một cách thuận tiện ngay cả khi lượng khách tham quan đông.

Trong khi đó, tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, mã QR đã được tích hợp tại các điểm di tích, cho phép du khách quét mã để nhận thông tin chi tiết về địa danh. Ứng dụng tham quan di sản tự động 3D trên website của trung tâm cũng giúp khách tham quan tìm hiểu về di tích một cách trực quan hơn.

Ông Trịnh Hữu Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, cho biết: “Đến nay, tất cả hệ thống biển bảng trên di sản Thành Nhà Hồ đã được trang bị mã quét QR, giúp khách du lịch có cái nhìn tổng quan, bao quát. Hiện nay, chúng tôi bước đầu khai thác phòng trình chiếu 3D, trang bị công nghệ trong kết nối mạng vệ tinh… tạo ra không gian có tính đặc trưng, đặc thù mà triều Hồ để lại.”

Đẩy mạnh số hóa du lịch

Để thúc đẩy du lịch phát triển, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan triển khai nhiều hoạt động số hóa. Ứng dụng du lịch thông minh Smart Travel đã được giới thiệu tại 8 khu, điểm du lịch nổi tiếng như Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, Đền Nưa - Am Tiên, Pù Luông, bản Mạ, Thác Mây, đền Sòng Sơn và đền Cửa Đạt.

chuyen-doi-so-2-1739107188.png
Hướng dẫn viên du lịch Thành Nhà Hồ đang hướng dẫn du khách trải nghiệm du lịch số

Bên cạnh đó, 71 khu, điểm du lịch và 25 cơ sở lưu trú đã được số hóa và cập nhật trên phần mềm quản lý du lịch của tỉnh. Gần 1.000 tin, bài, video và hình ảnh quảng bá du lịch Thanh Hóa cũng được đăng tải trên website du lịch của tỉnh. Du khách có thể tìm hiểu thêm thông tin về các sản phẩm, lịch trình và phản ánh chất lượng dịch vụ trên cổng thông tin du lịch Thanh Hóa.

Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển du lịch thông minh, Thanh Hóa đang tập trung vào các giải pháp như hoàn thiện cơ chế, chính sách, xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch, triển khai ứng dụng du lịch thông minh và tăng cường tuyên truyền quảng bá trên nền tảng số. Đồng thời, các doanh nghiệp du lịch cũng cần chủ động áp dụng các ứng dụng, phần mềm du lịch trong quản lý và phát triển sản phẩm để nâng cao trải nghiệm và sự hài lòng của du khách.

Những nỗ lực trong chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin mà còn hướng tới nâng cao trải nghiệm người dùng thông qua công nghệ thực tế ảo (VR), bản đồ số, và trí tuệ nhân tạo (AI). Các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động triển khai các nền tảng số trong việc quảng bá sản phẩm, hỗ trợ đặt phòng, đặt vé, và thanh toán trực tuyến.

Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các đơn vị công nghệ để phát triển nền tảng số, xây dựng hệ thống dữ liệu du lịch đồng bộ, kết nối với hệ thống thông tin của Tổng cục Du lịch. Điều này không chỉ giúp quản lý hiệu quả hơn mà còn tạo điều kiện để doanh nghiệp và du khách tiếp cận thông tin nhanh chóng, chính xác.

Năm 2024, du lịch Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu đáng kể khi đón hơn 15 triệu lượt khách. Con số ấn tượng này không chỉ phản ánh sức hút ngày càng tăng của điểm đến mà còn khẳng định sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp không khói địa phương.

Anh Nguyễn Văn Hội, một du khách từ Hưng Yên, chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với hệ thống du lịch thông minh tại Thanh Hóa. Việc sử dụng ứng dụng di động giúp tôi dễ dàng tìm hiểu thông tin về các điểm đến, đặt vé và lên kế hoạch cho chuyến đi của mình.”

Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là chìa khóa then chốt để du lịch Thanh Hóa đạt được những mục tiêu đầy tham vọng trong năm 2025. Nhờ có công nghệ, du khách dễ dàng tiếp cận thông tin về các sự kiện, điểm đến, dịch vụ, từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp và tối ưu hóa trải nghiệm của mình. Đồng thời, chuyển đổi số cũng giúp các doanh nghiệp du lịch nâng cao hiệu quả hoạt động, tiếp cận khách hàng tiềm năng, và quản lý thông tin một cách thông minh.

Với những nỗ lực không ngừng, du lịch Thanh Hóa không chỉ phát huy thế mạnh sẵn có mà còn từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch thông minh của cả nước, Đồng thời từng bước hiện thực hóa khát vọng “du lịch hương sắc bố mùa”, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Hà Khải