Hà Nội: Tham gia kinh doanh Dropshipping, một người dân Hà Nội bị chiếm đoạt gần 10 tỷ đồng

Theo thông tin từ Công an TP. Hà Nội, mới đây một người dân trú tại Hà Nội tham gia phân phối đơn hàng tại trang https://atlanticmallccenter.com bị chiếm đoạt là 9,7 tỷ đồng.
dropshipping-mo-hinh-kinh-doanh-de-bi-lua-dao-1-1719534465.png
Mô hình kinh doanh Dropshipping là hình thức bán lẻ, mà người bán không cần lưu trữ sản phẩm của mình trong kho. Ảnh minh họa.

Dropshipping hiểu đơn giản là ”bán hàng bỏ qua khâu vận chuyển” - Một hình thức kinh doanh, buôn bán mà là nhà bán lẻ nhưng không giữ hàng trong kho. Khi khách hàng mua hàng, bạn sẽ qua bên nhà cung cấp của bạn mua hàng và yêu cầu nhà cung cấp vận chuyển hàng tới tay khách hàng.

Bạn sẽ không phải vận chuyển hàng đến cho khách mà chỉ tập trung vào việc marketing sản phẩm, theo dõi đơn hàng, chăm sóc khách hàng. Lợi nhuận mà bạn đạt được chính là chênh lệch giá giữa nhà cung cấp và giá mình bán cho khách hàng đã trừ đi chi phí vận chuyển. Người làm chủ quá trình này gọi là Dropshipper.

Mô hình bán hàng dropshipping phát triển trong thời đại công nghệ bởi vì: Không cần quá nhiều vốn để bắt đầu; Không cần thuê mặt bằng; Không rủi ro về hàng tồn kho.

Tuy nhiên, nhiều đối tượng lừa đảo đã dụ dỗ các nạn nhân tham gia bán hàng để chiếm đoạt tiền.

Theo lời giới thiệu của bạn bè, anh X trú tại Hà Nội tham gia phân phối đơn hàng tại trang https://atlanticmallccenter.com. Anh X được phép đăng 100 sản phẩm và nhận lợi nhuận 20% trên mỗi đơn hàng sau khi sản phẩm tới người mua từ 4 – 6 ngày. Ngày đầu tiên anh X bán được 01 đơn hàng và thu lợi nhuận như hứa hẹn. Anh X mua gói quảng cáo tương đương 10 triệu đồng với cam kết bán được 8 đơn hàng/ ngày. Các đối tượng giới thiệu anh X nâng cấp cửa hàng với số tiền 12.000 USD để hưởng chính sách 20 ngày không phải nộp tiền đơn hàng và lợi nhuận 30% với mỗi đơn hàng. Sau khi hết 20 ngày, anh X rút tiền từ hệ thống thì được yêu cầu nộp 35% lợi nhuận tương đương gần 1 tỷ đồng để rút được tiền. Nhận thấy dấu hiệu bất thường, anh X đã không nộp tiền và đến cơ quan Công an trình báo. Tổng số tiền anh X bị chiếm đoạt là 9,7 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 30/3, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo, dù mang lại lợi ích cho người bán trung gian, nhiều người đã bị lừa khi tham gia mô hình này, trong đó có một nạn nhân tại Hà Nội mất số tiền 12 tỷ đồng.

Ngoài ra, một hình thức khác liên quan đến dropshipping là lừa tiền đặt cọc hoặc lừa giúp xây dựng hệ thống. Bùi Hiếu tại Vĩnh Phúc cho biết sau khi tham gia một hội nhóm trên Facebook hồi tháng 2, anh được một người trong nhóm giới thiệu mô hình "trung gian bán hàng". Theo đó, họ đề nghị anh đặt cọc 5-10 triệu đồng và sẽ được hỗ trợ xây dựng hệ thống bán hàng online, gồm trang bán hàng trên Facebook, TikTok. Anh được hứa hẹn chỉ cần vận hành các trang này, không cần bỏ vốn hay nhập hàng, mà sẽ được hoa hồng theo từng đơn lên tới hàng chục phần trăm. "Khi tôi lo ngại có phải lừa đảo không, họ lập tức chặn liên hệ", anh Hiếu kể.

Các cơ quan chức năng khuyến nghị: Người dân cần xác minh kỹ thông tin khi tham gia mô hình dropshipping và trước mỗi giao dịch chuyển tiền, cần thận trọng khi đứng trước cơ hội nhận lợi nhuận lớn nhờ vào các ứng dụng kinh doanh trực tuyến. Người bán hàng online thận trọng, xác minh kỹ thông tin khi tham gia mô hình kinh doanh Dropshiping và thực hiện giao dịch chuyển tiền, thận trọng khi đứng trước cơ hội nhận được lợi nhuận lớn nhờ vào các ứng dụng kinh doanh trực tuyến. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan Công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định./.

PV