Thái Bình: Ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2025

Mới đây, ngày 18/02/2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quang Hưng ban hành Quyết định 215/QĐ-UBND về Chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Bình năm 2025.

Cụ thể, xây dựng Chương trình xúc tiến đầu tư 2025 bám sát Kế hoạch hành động của ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025 tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 08/01/2025 của Chính phủ và Kế hoạch số 229- KH/TU ngày 15/4/2020 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

t4-1680595719823-17038554201201838196559-1739949805.jpg
Thái Bình hướng tới trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu Vùng đồng bằng sông Hồng (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ)

Trong đó trọng tâm, trọng điểm tập trung thu hút vào các ngành, lĩnh vực, địa bàn có ưu thế của tỉnh, ưu tiên thu hút đầu tư tư các đối tác có công nghệ cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Châu Âu... huy động mọi nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Đổi mới, đa dạng hóa các nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư, coi cải thiện môi trường đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xúc tiến đầu tư. Nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ để hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.

kcn-1739950042.png
Phối cảnh khu công nghiệp Liên Hà Thái tỉnh Thái Bình.

Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2025 được xây dựng đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29/12/2023), Quy hoạch phát triển Khu kinh tế Thái Bình góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; cụ thể:

Lĩnh vực nông nghiệp: Phát triển bền vững theo hướng nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ sinh học; thu hút đầu tư xây dựng các vùng chuyên canh, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Lĩnh vực công nghiệp: Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, điện khí và điện gió theo quy hoạch, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước có uy tín, thương hiệu vào đầu tư các dự án có quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, sản xuất các sản phẩm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thân thiện với môi trường.

Lĩnh vực dịch vụ - thương mại: Thu hút đầu tư xây dựng, nâng cấp các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ; ưu tiên phát triển chợ đầu mối, các loại hình dịch vụ logistics; khuyến khích phát triển thương mại điện tử, thương mại nội địa, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - phân phối; đầu tư các dự án hạ tầng du lịch hiện đại quy mô lớn Dự án phát triển khu du lịch sinh thái cồn Vành, cồn Đen...  

Lĩnh vực môi trường: Xây dựng nhà máy xử lý rác thải, nước thải cho các khu, cụm công nghiệp.

Lĩnh vực xúc tiến đầu tư: Đa dạng hóa các kênh, các phương thức xúc tiến đầu tư; ứng dụng công nghệ số trong công tác xúc tiến đầu tư và quản lý nhà nước đối với công tác xúc tiên đầu tư./.

Thế Lợi