Tết là ngày trở về

Càng cận kề tết, diễn ra trong tháng Chạp, không khí, nhịp sống chuẩn bị cho Tết càng chộn rộn và hối hả. Chỉ cần nghe trên loa truyền thanh hoặc xem trên truyền hình phát những ca khúc về mùa xuân, về Tết sum vầy, về chốn quê nhà, ta đã “đọc” được: Đó là âm hưởng tiếng gọi của sự trở về.
choi-non-1707435745.jpg
Chồi non (Sưu tầm)

Khi những chiếc lá rơi vào cuối mùa thu; khi “thơ tình cuối mùa thu” ai thầm đọc trong hanh hao, se lạnh để cảm nhận cái rét đầu đông là sự chuyển tiếp giữa hai mùa mát - lạnh, cũng đúng vào độ cuối tháng 10, đầu tháng 11 dương lịch, ta bỗng giật mình khi báo chí và các phương tiện truyền thông bắt đầu đăng tải Thông báo lịch bán vé tàu Tết, vé máy bay Tết hoặc kế hoạch phục vụ tết của các bến xe (chạy liên tỉnh). Tiếp đó, cũng chính các báo chí liên tục đăng trên các số báo thường: Mời bạn đọc, bạn viết tham gia gửi bài cho báo Tết (về nội dung, chủ đề, thể loại, chuyên mục). Ai đó thầm thì như lời của mùa xuân - Tết lại đến rồi hoặc “chết thật, chưa làm gì trọn vẹn sau một năm, mùa xuân lại gọi”?

Càng cận kề tết, diễn ra trong tháng Chạp, không khí, nhịp sống chuẩn bị cho Tết càng chộn rộn và hối hả. Chỉ cần nghe trên loa truyền thanh hoặc xem trên truyền hình phát những ca khúc về mùa xuân, về Tết sum vầy, về chốn quê nhà, ta đã “đọc” được: Đó là âm hưởng tiếng gọi của sự trở về. Những người bôn ba khắp các phương trời của đất nước trong công cuộc mưu sinh, lập nghiệp; những cán bộ, viên chức, quan chức sống và làm việc ở các thành phố, kể cả ở Thủ đô, đặc biệt là những người xa xứ định cư ở nước ngoài, sự trở về càng có ý nghĩa thiêng liêng hơn.

Trở về, trước hết là trở về với nơi chôn nhau cắt rốn, với tổ tiên, với những người thân đã khuất - ra đi thịt xương gửi vào đất nhưng đâu đây hơi ấm, bao kỷ niệm, kỷ vật còn hiện hữu trong nếp nhà xưa, mảnh vườn xưa. Thì kia, ta hãy quan sát trên những khoảnh đất cao, ở những nghĩa địa san sát, từng tốp người có già lẫn trẻ với những hương nhang, lễ vật, dao rựa, cuốc xẻng, cả vôi ve đi tảo mộ và “gọi” người thân xưa về ăn Tết. Mà những nghĩa địa thời nay, đủ các mẫu mã kiến trúc. Thời nay người nghèo cũng không hề kém cạnh người giàu, thậm chí còn “chơi trội” trong việc xây mồ mả, lăng tẩm cho người thân hoặc mộ Tổ của dòng họ, không còn “sè sè nấm đất ven đường”. Những “người âm” của con cháu dòng họ nghèo hoàn toàn bình đẳng “ngang ngửa” với “ngôi nhà” của con cháu, dòng họ thành đạt, khá giả; không phân biệt với những “quan lớn mả, nông dân mả, trí thức mả” gọi chung là “cái mả” như trang viết của Nam Cao. Những lời rì rầm thành kính, khấn vái người thân xưa ở nơi gò cao, các khu nghĩa địa trong chiều cuối năm bên những làn khói hương trầm mặc, rõ ràng họ đang “sống về mồ về mả chứ không ai sống bằng cả bát cơm”, quả là thâm sâu, chí lý.

Thứ nữa, ngày trở về của những người xa quê, xa xứ là để sum vầy, đoàn tụ. Người ta vẫn thường gọi là Tết đoàn viên. Có âm thanh eng éc của tiếng lợn kêu khi bị hóa kiếp rồi lao xao cảnh ăn đụng, chia phần; có tiếng nổ tý tách nơi bếp lửa hồng của nồi bánh chưng xanh; có những làn gió xuân nhẹ nhàng, mơn man làm rung rinh những cánh hoa rực rỡ và xao động những vòm lá.

Bên mâm cỗ của ngày Tết, có đủ các âm thanh tạo nên một “đại hợp âm” rộn rã: Tiếng cười nói râm ran; tiếng lanh canh, lách cách của cốc chén, bát đĩa; tiếng mời chào ấm áp, thân thương. Trong hương vị ngày Tết, vừa thưởng thức những món ăn ngon đậm đà hồn Việt, người ta vừa chúc tụng nhau những điều tốt đẹp nhất, đồng thời động viên nhau về những run rủi đã qua. Có lẽ, không chỉ là dịp đoàn tụ mà còn là “khoảng lặng” để con người ta thể hiện lòng bao dung nhất, thơm thảo nhất. Bởi lẽ đó, những bất hòa, mâu thuẫn xích mích chưa tìm được “tiếng nói chung”, Tết đến người ta sẵn sàng xí xóa, độ lượng cho nhau chăng? Nhắc và nhớ về những người đã khuất, anh em gia đình nào đó không còn nghĩ tới việc tranh chấp quyền thừa kế, khi có người định cư ở thành phố, giờ nhường nhịn nhà cửa, đất đai cho người ở quê hương khói ông bà, cha mẹ, tổ tiên. Với danh nghĩa là mừng tuổi hoặc “phát vốn”, những người có tiềm lực khá giả hơn sẵn sàng “mở hầu bao” tạo điều kiện cho người còn vất vả, gian lao để phát triển kinh tế, xây cất nhà cửa hoặc đầu tư cho con cái ăn học, tìm kiếm việc làm. Ở gia đình khác, những khoản cho vay trong năm cũ chỉ lấy tiền gốc không thu lãi nữa, thậm chí “nếu có thì lúc nào trả cũng được”. Gặp gỡ, sẻ chia và đùm bọc nhau trong sự trở về của ngày Tết còn mang ý nghĩa đặc biệt đó.

xuan-ve-tren-reo-cao-1707435787.jpg
Mùa xuân trên rẻo cao (ST)

Sự trở về trong ngày Tết là trở về với những ký ức. Hẳn rồi. Hiểu rộng hơn, xa hơn đó là sự trở về với những giá trị văn hóa Việt, với những phong tục tập quán ngàn đời để lại, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Người ta trồng cây nêu ngày Tết là để xua đuổi tà ma, đen đủi để cầu mong sang năm gặp nhiều may mắn, no đủ, tốt lành. Trở về với những ký ức đẹp của Tết xưa người ta còn hóa thân, tắm mình vào những trò chơi dân gian (như đánh đu, cướp cù, cướp phết, kéo co, ném còn, đánh pao, đua thuyền...); đắm mình vào những câu hò, điệu lý, khúc dân ca, làn điệu chèo..., để thâu đêm suốt sáng ngân rung, cảm nhận cái độc đáo vô bờ của điệu thức cha ông!

Còn bao sự trở về nữa mà Tết gói lại những cung bậc cảm xúc, những sâu lắng, bâng khuâng. Song, bằng những biểu hiện, biểu cảm: Đã rưng rưng trước anh linh tiên tổ, trước di ảnh các bậc sinh thành; đã chạnh lòng, xót xa trước những mảnh đời bất hạnh hoặc yếu đau bệnh tật; đã sống lại cảm giác ấm áp và an lành dưới mái ấm gia đình và thênh thang “đi trên đường lớn” - con đường xây dựng Nông thôn mới, nếp sống mới trong công cuộc Đổi mới của quê hương và đất nước hôm nay – thực sự là một cái Tết trọn vẹn đong đầy tâm trạng của những người con luôn nặng lòng với quê hương, xứ sở.

Và kia, nơi những ga tàu, những bến xe, những cảng hàng không, cảng biển, rồi dọc ngang, chi chít những cung đường đất nước, hàng nghìn, hàng triệu con người xa quê, xa xứ đang thổn thức, khấp khởi cho cuộc hành trình sum họp và đoàn tụ. Để sau chuỗi ngày đủ đầy viên mãn, tràn ngập niềm vui ở chốn quê nhà, họ tạm biệt mùa xuân, tạm biệt quê hương để trở lại nơi xuất phát. Bởi, “Họ vững tin rồi mùa xuân sẽ quay về”!

Tản văn của ĐỨC DŨNG