Tăng trưởng thương mại Việt Nam – Campuchia ngày càng phát triển mạnh mẽ

Kể từ khi thiết lập quan hệ tới nay, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam-Campuchia ngày càng phát triển mạnh mẽ. Về hợp tác kinh tế, thương mại, Việt Nam duy trì vị trí đứng đầu ASEAN và trong nhóm 5 nước có vốn đầu tư trực tiếp tại Campuchia.

Về kết quả hợp tác đầu tư giữa hai nước, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Campuchia là một trong các địa bàn đầu tư ra nước ngoài sớm nhất của Việt Nam. Kể từ khi có dự án đầu tiên sang Campuchia vào năm 1999, đến nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện đầu tư, kinh doanh thành công tại đất nước Chùa Tháp. Sau Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Việt Nam - Campuchia lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2009, đầu tư của Việt Nam vào Campuchia đã có sự gia tăng nhanh chóng. Đến nay, Việt Nam đã có 201 dự án đầu tư tại Campuchia, với tổng vốn đăng ký là 2,93 tỷ USD, tăng 6 lần về số dự án và 16 lần về vốn đầu tư so với năm 2009.

Campuchia là địa bàn lớn thứ 2 trong số 78 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam luôn duy trì vị trí hàng đầu ASEAN và trong top 5 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Campuchia.

Đánh giá về quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Campuchia trong thời gian qua, Bộ Công Thương cho biết, giai đoạn 2016-2020, kim ngạch thương mại Việt Nam-Campuchia tăng trưởng trung bình 17%/năm, tăng từ 2,92 tỷ USD năm 2016 lên đến 5,31 tỷ USD năm 2020.

Năm 2021, kim ngạch thương mại Việt Nam-Campuchia tiếp tục bứt phá, đạt 9,54 tỷ USD, tăng 79,1% so với năm 2020; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt 4,83 tỷ USD, tăng 16,4% và nhập khẩu của Việt Nam từ Campuchia đạt 4,71 tỷ USD tăng 299,8% so với năm 2020.

hoi-dam-1667901685.jpg
Hai Thủ tướng chứng kiến Lễ ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực lao động - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Riêng trong 9 tháng năm 2022, kim ngạch thương mại của Việt Nam với Campuchia đạt gần 8,45 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến năm 2022, kim ngạch thương mại song phương sẽ vượt mức 11 tỷ USD.

Theo Bộ Công Thương, cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam và Campuchia có sự bổ sung lẫn nhau. Campuchia có nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam các mặt hàng sắt thép, vật liệu xây dựng, nhiên liệu, đồ nhựa, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng, phân bón...

Ngược lại, Việt Nam cũng có nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng là thế mạnh của Campuchia như hàng nông sản (cao su, hạt điều, sắn, ngô…) để phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia gặp nhiều thuận lợi từ hệ thống khuôn khổ pháp lý ưu đãi về thương mại song phương như Hiệp định Thương mại biên giới, Bản Thoả thuận thúc đẩy thương mại song phương...

Hơn nữa, khoảng cách vận chuyển hàng hóa gần; nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của người dân Campuchia tương đối tương đồng với Việt Nam. Đây là những yếu tố hết sức thuận lợi để hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam được đón nhận tại thị trường Campuchia.

Hiện, cả hai nước đều là thành viên của ASEAN và đều được hưởng lợi từ những cam kết trong khu vực. Theo cam kết và lộ trình giảm thuế Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, hầu hết các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Campuchia (trừ một số mặt hàng bảo lưu) đều được hưởng thuế từ 0-5%. Cùng với các thỏa thuận song phương, những hiệp định, thỏa thuận trong khu vực ASEAN sẽ tiếp tục gắn kết hơn nền kinh tế của Việt Nam và Campuchia.

Không chỉ mang lại cơ hội tiếp cận thị trường của nhau lớn hơn, những thỏa thuận, những hiệp định nêu trên sẽ tiếp tục tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư của Việt Nam, Campuchia và nước thứ ba tận dụng các lợi thế của mỗi nước để mở rộng các hoạt động đầu tư kinh doanh phát triển sản phẩm. Đồng thời, phát triển các chuỗi giá trị khu vực để xuất khẩu sang các nước ASEAN, các thị trường khác trên thế giới.

Doanh nghiệp Việt Nam đã có sự hiện diện khá lâu và đông đảo tại Campuchia. Đây cũng là những điều kiện thuận lợi để ta có thể tranh thủ gắn bó, hợp tác đưa sản phẩm hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu, rộng tại thị trường Campuchia. Việt Nam và Campuchia cũng còn nhiều tiềm năng để tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực cụ thể như sản xuất hàng tiêu dùng, năng lượng, điện lực, khai thác khoáng sản, chế biến và nuôi trồng nông, lâm thủy sản...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thương mại, xuất khẩu sang Campuchia cũng còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng thương mại nói chung và cơ sở hạ tầng thương mại ở cửa khẩu biên giới nói chung, hệ thống giao thông, hệ thông tin liên lạc, dịch vụ thanh toán giao nhận, vận chuyển còn nhiều hạn chế.

Mặt khác, việc thực thi các Hiệp định, Thỏa thuận ưu đãi thuế quan và tạo thuận lợi thương mại giữa Việt Nam và Campuchia còn chưa được thực hiện thống nhất tại một số cửa khẩu biên giới của cả hai nước. Phần lớn các doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều tới việc thiết lập kênh phân phối tại thị trường bản địa mà chủ yếu là bán hàng cho các thương nhân của nước sở tại để họ tự phân phối tại thị trường. Điều này khiến cho việc phân phối hàng hóa không có sự chủ động và khó điều chỉnh trong những thời điểm gặp khó khăn.

Để đẩy mạnh xuất khẩu sang Campuchia trong thời gian tới, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) khuyến cáo doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu và tận dụng tối đa các ưu đãi cắt giảm thuế quan trong các Hiệp định/Thỏa thuận mà Việt Nam và Campuchia đã ký kết trong khuôn khổ đa phương và song phương.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu từ mỗi nước; nâng cao hàm lượng chế biến trong các sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu giữa hai nước; đầu tư thích đáng vào xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, hàng hóa tại thị trường mỗi nước; thiết lập kênh phân phối hàng hóa tại thị trường để đảm bảo sự chủ động và khả năng điều chỉnh trong những lúc thị trường gặp khó khăn.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Campuchia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ngày 8/11/2022 tại thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Hội đồng Phát triển Campuchia và Bộ Thương mại Campuchia phối hợp tổ chức Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Việt Nam Campuchia 2022.
Hương Lan (t/h)