Do vậy, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 21-22/12 là dịp quan trọng để hai bên trao đổi các định hướng, biện pháp lớn nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới.
*Bạn hàng tin cậy
Thương vụ Việt Nam tại Campuchia cho hay, mặc dù dịch COVID-19 bùng phát khiến hoạt động thương mại biên giới gặp nhiều trở ngại nhưng kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới vẫn đạt nhiều kết quả khả quan.
Số liệu thống kê cho thấy, 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước đạt 8,632 tỷ USD, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong số đó, hàng Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia đạt 4,35 tỷ USD, tăng 17% và hàng Campuchia xuất sang Việt Nam đạt 4,282 tỷ USD, tăng 337% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng lưu ý, 11 tháng năm 2021, Việt Nam xuất siêu sang Campuchia là 68 triệu USD. Dự kiến năm 2021, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa hai nước đạt 9,3 tỷ USD, tăng khoảng 75% so với năm 2020.
Cũng trong thời gian này, có 24/29 nhóm mặt hàng đạt mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái gồm mặt hàng rau, củ, quả; thức ăn gia súc và nguyên liệu; xăng dầu; phân bón...
Một số mặt hàng có mức tăng trưởng âm như hàng thủy sản; bánh kẹo và các sản phẩm ngũ cốc; clinker và xi măng; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ.
Về hàng hóa Campuchia xuất khẩu sang Việt Nam, có 9/11 nhóm hàng có mức tăng trưởng dương như hàng rau, củ, quả; hạt điều; cao su; hàng hóa khác...
Có 2/11 nhóm hàng của Campuchia xuất sang Việt Nam có mức tăng trưởng giảm so với 11 tháng năm 2020 là nguyên phụ liệu thuốc lá; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác.
Theo Vụ Thị trường châu Á- châu Phi (Bộ Công Thương), Việt Nam là một trong những đối tác hàng đầu của Campuchia. Giai đoạn 2016 - 2020 thương mại song phương giữa Việt Nam và Campuchia đạt mức tăng trưởng trung bình 17%/năm, từ 2,92 tỷ USD năm 2015 lên 5,32 tỷ USD năm 2020.
Các mặt hàng xuất khẩu sang Campuchia, bao gồm: sắt thép các loại; sản phẩm hóa chất; sản phẩm nhựa; máy móc, thiết bị điện; thực phẩm chế biến, bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc. Các mặt hàng nhập khẩu: cao su, hạt điều, nông sản.
Các giải pháp chủ yếu phát triển thương mại song phương giữa 2 nước bao gồm phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại; phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng hệ thống phân phối, xây dựng thương hiệu tại Campuchia.
Bên cạnh thúc đẩy xuất khẩu sang Campuchia, Việt Nam tiếp tục dành ưu đãi thuế quan cho các mặt hàng xuất khẩu của Campuchia vào thị trường Việt Nam. Do đó, Việt Nam là thị trường nhập khẩu chính hạt điều của Campuchia. Trong 8 tháng năm 2021, có 99% lượng điều của nước này được Việt Nam thu gom nhập khẩu, tương đương gần 870.000 tấn để chế biến và cung cấp ra thị trường quốc tế.
Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi cho biết, từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, cả Việt Nam và Campuchia đều phải áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, dừng hoạt động nhập cảnh của cư dân Việt Nam vào Campuchia và xuất cảnh của cư dân Campuchia vào Việt Nam theo đường bộ, đường sông, đường hàng không.
Tuy vẫn được phép thực hiện theo mô hình thông quan phòng dịch tại các cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường sông nhưng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại khu vực biên giới hai nước vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Thống kê cho thấy, đến nay Việt Nam có 188 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Campuchia với tổng số vốn đăng ký khoảng 2,85 tỷ USD, đứng thứ hai trong tổng số 78 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Đặc biệt, Việt Nam đã hỗ trợ khẩn cấp cho Campuchia thiết bị và bộ xét nghiệm PCR tổng trị giá khoảng 300.000 USD, 500.000 USD tiền mặt và nhiều vật tư, thiết bị y tế như 800 máy thở, 2 triệu khẩu trang y tế, 300.000 khẩu trang N95 trị giá khoảng 10 triệu USD.
Ngược lại, Campuchia tặng Việt Nam 200.000 liều vaccine Sinopharm, 1 triệu khẩu trang y tế, 100.000 khẩu trang N95, 100 máy tạo oxy và 350.000 USD tiền mặt.
*Đẩy mạnh hợp tác
Nhằm thúc đẩy xuất khẩu giữa Việt Nam và Campuchia, đại diện Sở Công Thương các tỉnh này đã đưa ra một số khuyến nghị như đơn giản hóa thủ tục xác minh chứng nhận kiểm dịch thực vật đối với trái cây nhập khẩu từ Campuchia sang Việt Nam.
Cùng với đó, nâng cấp một số lối mở tại tỉnh Kiên Giang lên cửa khẩu chính, nâng cấp một số cửa khẩu chính lên cửa khẩu quốc tế như cửa khẩu Vĩnh Bình, Vĩnh Xương, Thường Phước (đường bộ) và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại đối với Campuchia.
Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi ghi nhận những nỗ lực của các Sở Công Thương trong việc thông tin kịp thời cho Bộ Công Thương tình hình trao đổi thương mại với Campuchia cũng như chủ động, kịp thời đưa ra các biện pháp nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa với Campuchia ngay khi lệnh tạm dừng xuất nhập cảnh tại cửa khẩu biên giới được đưa ra.
Đặc biệt, dù bị ảnh hưởng do việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh nhưng nhìn chung hoạt động thương mại biên giới giữa Việt Nam - Campuchia ở các tỉnh vẫn diễn ra ổn định và đạt được những kết quả khá khả quan, vẫn đạt được mức tăng trưởng tương đối tốt.
Thời gian tới, khi các cửa khẩu biên giới vẫn chưa được mở cửa cho người xuất nhập cảnh để phòng tránh lây lan dịch COVID-19, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan, ban ngành của Campuchia và Sở Công Thương tổ chức các hội nghị giao thương, chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến để quảng bá mạnh mẽ hơn nữa sản phẩm của Việt Nam tới thị trường Campuchia.
Tuy nhiên, trước thông tin phía Campuchia sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động nhập khẩu tiểu ngạch đối với lợn sống, thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn trên tuyến biên giới giữa Việt Nam và Campuchia. Cùng với đó, cơ quan chức năng Campuchia sẽ siết chặt kiểm dịch đối với thịt lợn, sản phẩm thịt lợn nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đường bộ với Việt Nam.
Do đó, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu lợn sống, thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn (nếu có) trên tuyến biên giới với Campuchia cần lưu ý xuất khẩu theo đường chính ngạch, đảm bảo yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm và chuẩn bị đầy đủ giấy phép kiểm dịch động vật.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tư thương Campuchia nhập khẩu lợn sống chủ yếu từ các nước láng giềng như Việt Nam và Thái Lan theo hình thức tiểu ngạch nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí và tránh phải xin các giấy chứng nhận kiểm dịch theo yêu cầu của cơ quan chức năng hai nước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và năng lượng, Việt Nam và Campuchia sẽ duy trì và cải tiến mô hình thông quan phòng dịch tại cửa khẩu đường bộ, đường sông; đảm bảo không gián đoạn chuỗi cung ứng, nhất là đối với hàng hóa thiết yếu như y tế và thực phẩm.
Cùng với đó, tiến hành rà soát, sửa đổi bổ sung và ký kết mới các khuôn khổ pháp lý về thương mại, đặc biệt là Bản Thỏa thuận giữa Chính phủ hai nước về việc thúc đẩy thương mại song phương giai đoạn 2022-2023.
Ngoài ra, hai bên cũng hướng tới việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch tổng thể triển khai Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Campuchia về kết nối và phát triển hạ tầng thương mại biên giới.
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và kênh phân phối; tăng cường chia sẻ thông tin, phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu qua biên giới và tiếp tục tăng cường quan hệ mua bán điện, khắc phục dứt điểm tình trạng dao động công suất trên đường dây truyền tải Châu Đốc-Takeo, đảm bảo sự ổn định và an toàn hệ thống điện của mỗi nước.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Bộ Công Thương luôn sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ các cơ quan và Đại sứ quán Campuchia tại Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Campuchia ngày càng đạt được những kết quả tích cực hơn nữa trong thời gian tới./.