Theo đó, tiến hành thanh tra, kiểm tra các công ty bảo hiểm, bao gồm cả các đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, không để tiếp tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng tới giao dịch phải mua bảo hiểm mới cho vay vốn, hay hình thức giới thiệu cho người tới gửi tiền tham gia đầu tư vào các sản phẩm bảo hiểm liên kết trái với quy định pháp luật liên quan.
Qua đây, tổ chức công bố đường dây nóng (số điện thoại, email) để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp về các sản phẩm bảo hiểm biến tướng nêu trên. Phân công cán bộ trực 24/7 và kịp thời kiểm tra xác minh thông tin để có biện pháp thanh tra, phối hợp với cơ quan Công an và Thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đề nghị Cục QLGSBH phối hợp với cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước tiến hành thanh tra, xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng để xảy ra tình trạng nhân viên ép buộc khách hàng mua bảo hiểm.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) bị cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng yêu cầu xem xét, giải quyết về kiến nghị của người dân về việc lạm dụng tín nhiệm, tư vấn và đưa thông tin sai lệch lừa khách hàng ký hợp đồng bảo hiểm Bảo hiểm Manulife. Đơn thư tố cáo về việc đại lý bảo hiểm có hành vi lừa đảo, giả mạo để ký hợp đồng bảo hiểm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, khởi tố hình sự để điều tra, đưa ra truy tố, xét xử cá nhân, tập thể lừa đảo và buộc ngân hàng SCB và Manulife giải quyết trả lại tiền cho người mua sản phẩm bảo hiểm.