Manulife Việt Nam cho biết, đã ghi nhận tình hình liên quan đến việc một số khách hàng không hoàn toàn hài lòng với trải nghiệm khi tham gia sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, có tên thương mại “Tâm An Đầu Tư” của Manulife Việt Nam được phân phối thông qua đối tác Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) nên đã yêu cầu hủy hợp đồng bảo hiểm trước hạn.
Trước tình trạng này, Manulife Việt Nam cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xử lý các yêu cầu của khách hàng nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng cũng như của công ty, phù hợp với quy định của pháp luật và các quy tắc, điều khoản của hợp đồng bảo hiểm mà khách hàng đã ký kết.
Theo thông cáo, Manulife Việt Nam bày tỏ rất thấu hiểu các quan ngại của khách hàng và đang xem xét giải quyết các yêu cầu của những khách hàng này một cách nghiêm túc, công bằng và thỏa đáng. Doanh nghiệp bảo hiểm hàng chục nghìn tỷ đồng cho biết "sẽ không khoan nhượng cho bất cứ hành vi sai trái hoặc gian lận nào, và nếu phát hiện các hành vi này sẽ ngay lập tức chuyển đến cơ quan chức năng liên quan để xử lý".
Trước đó ít hôm, Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có phiếu chuyển đơn tố cáo gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an). Theo đó, Bộ Tài chính đã nhận được đơn tố cáo của các công dân liên quan đến việc giới thiệu, tư vấn mua bảo hiểm của nhân viên SCB (đại lý của Manulife Việt Nam).
Các đơn thư cùng tố giác việc đại lý bảo hiểm có hành vi lừa đảo, giả mạo để ký hợp đồng bảo hiểm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, khởi tố hình sự để điều tra, đưa ra truy tố, xét xử cá nhân, tập thể lừa đảo; buộc Ngân hàng SCB và Manulife giải quyết trả lại tiền cho người mua sản phẩm bảo hiểm.
Đơn thư khách hàng phản ánh có nội dung gì?
Theo nội dung đơn của khách hàng gửi đến cơ quan chức năng, Manulife Việt Nam tổ chức mạng lưới đại lý bảo hiểm (BH) thông qua môi giới tại SCB đã lạm dụng tín nhiệm, tư vấn và đưa thông tin sai lệch để lừa khách hàng ký hợp đồng BH sai với ý chí, mục đích gây thiệt hại cho nhiều người. Đơn thư nêu rõ, vấn đề này các cá nhân đều có đơn gửi tới Manulife Việt Nam nhưng không được giải quyết, trốn tránh, và hất trách nhiệm về phía khách hàng.
Theo đó, năm 2020 khách hàng của SCB (hầu hết là những người lớn tuổi, đã nghỉ hưu) có ít tiền dư thừa tới SCB gửi tiết kiệm để có ít thu nhập bù vào lương hưu ít ỏi. Tại quầy của SCB được 02 nhân viên (01 của SCB, 01 của Manulife Việt Nam) đón tiếp, tư vấn (bằng miệng), dẫn dắt tham gia hợp đồng đầu tư với tên “Tâm An Đầu Tư” như một hình thức gửi tiết kiệm có lãi suất cao hơn ngân hàng (lãi khoảng 10%/năm). Thời gian hợp đồng là 5 năm, trong đó có một phần đầu tư linh hoạt sau 01 năm có thể rút ra trước hạn nếu cần.
Với lời mời chào hấp dẫn, mập mờ và tin tưởng vào SCB nên rất nhiều người đã tham gia hợp đồng. Việc thu nộp tiền do SCB thu (trên sổ tiết kiệm hoặc tiền gửi tại ngân hàng), sau đó (khoảng nửa tháng) mới chuyển trả lại hợp đồng (bản photo) và nhắc xem lại tên, số tiền nộp, lưu ý giữ hợp đồng như một sổ tiết kiệm mà không nhắc gì thêm.
Một năm sau khi nhận được thông báo từ Manulife Việt Nam yêu cầu đóng phí duy trì hợp đồng bảo hiểm hàng trăm triệu đồng cho mỗi hợp đồng BH, khách hàng đã đến SCB thắc mắc thì phía ngân hàng trả lời do khách hàng đã ký hợp đồng BH “Tâm An Đầu Tư”. Sau nhiều lần trao đổi với SCB và chi nhánh Manulife Việt Nam tại Hà Nội, khách hàng mới vỡ lẽ ra rằng hợp đồng đầu tư này là có lồng kèm vào hợp đồng bảo hiểm mà mình không biết và không có nhu cầu mình đã nhầm lẫn và như bị “sập bẫy”. Lãi đầu tư không thấy đâu mà chắc chắn bị nợ một khoản tiền lớn phí BH.
Ngay từ đầu do tư vấn nên mọi người đã nhầm lẫn về mục đích hợp đồng, nghĩ rằng đầu tư vào công ty lấy lãi định kỳ (như trái phiếu Công ty). Nhưng thực chất là lừa những vị khách này ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của Manulife đi kèm đầu tư theo cổ phiếu niêm yết của Công ty. Với cách đầu tư này phải theo dõi hàng tuần, tháng trên website, nhưng mọi người tham gia ký kết đều không biết, chỉ hơn 01 năm sau mới thì đã quá muộn. Về vấn đề này Manulife không thông báo hay cảnh báo cho Khách hàng biết để theo dõi (Nếu biết đã lộ ra bản chất của hợp đồng). Bên cạnh đó không thấy Manulife Việt Nam có điện nhắc khách hàng có 21 ngày cân nhắc huỷ hợp đồng nên việc ký hợp đồng sai mục đích dễ dàng trôi đi.
Theo đơn thư, hợp đồng giao cho khách hàng là bản photo, trong đó chữ ký cũng là photo, nhiều nội dung khai báo viết tay trong hợp đồng đều do nhân viên BH tự điền vào, có nhiều chỗ bị sai lệch với thực tế. Đặc biệt sai lệch nhiều ở: Thu nhập cá nhân; Tiền sử bệnh tật (Không có khám bệnh)…. Thậm chí có chữ ký giả của đối tượng tham gia BH. Ngoài ra còn nhiều sai phạm khác mà không thể liệt kê trong phạm vi đơn này. Nếu Quý các cơ quan tổ chức điều tra đến từng cá nhân sẽ thấy được những tình huống sai phạm riêng biệt trong quá trình hình thành và ký kết hợp đồng.
Cách tư vấn hợp đồng mập mờ khi người đến gửi tiết kiệm thì đưa lợi ích đầu tư giả định cao hơn lãi tiết kiệm để chiêu dụ mà ẩn giấu kèm theo hợp đồng BH Nhân thọ với số phí hàng năm rất cao làm Khách hàng "mắc câu" khi ký hợp đồng. Không đếm xỉa đến khả năng kinh tế của họ có thực hiện hợp đồng được không. Hợp đồng hướng tới các đối tượng là người cao tuổi đã nghỉ hưu, có thu nhập thấp, không còn nhanh nhạy và hiểu biết để tham gia kiểu đầu tư chứng khoán.