Tặng 1.000 quả phao và thuyền HDPE cùng 1 triệu rong giống hỗ trợ ngư dân khôi phục sản xuất

Cơn bão số 3 đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Quảng Ninh đã gây những thiệt hại vô cùng nặng nề cho ngành nuôi trồng thủy hải sản. Để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, các đơn vị đã trao tặng hơn 1.000 quả phao và thuyền HDPE cùng 1 triệu rong giống tại huyện Vân Đồn, địa phương được đánh giá bị thiệt hại nặng nề nhất trong lĩnh vực nuôi biển do bão.
ho-tro-ngu-dan-quang-ninh-phuc-hoi-san-xuat-1-1727533311.jpg
Hơn 1.000 quả phao và thuyền HDPE phần nào giúp người nuôi trồng thủy hải sản tại Vân Đồn nhanh chóng tái sản xuất. (Ảnh VOV)

Cơn bão số 3 đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Quảng Ninh đã gây những thiệt hại vô cùng nặng nề cho ngành nuôi trồng thủy hải sản. Riêng tại huyện Vân Đồn, vùng nuôi biển lớn nhất tỉnh Quảng Ninh đã có hàng chục nghìn lồng bè bị cuốn trôi, thiệt hại ước tính gần 3.700 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Văn Diễn, một người nuôi thủy sản tại Vân Đồn cho biết: Sau bão, gia đình anh cũng như hàng trăm hộ nuôi khác hầu như trắng tay: “Trận bão qua đã khiến tôi tay trắng hoàn toàn. Tàu thuyền đắm, bè nuôi thủy sản bị cuốn trôi. Những chiếc phao và thuyền được trao tặng sẽ giúp chúng tôi từng bước vượt qua khó khăn. Chúng tôi rất phấn khởi và cảm ơn!"

ho-tro-ngu-dan-quang-ninh-phuc-hoi-san-xuat-3-1727533353.jpg
Đối với nhiều người dân tại Vân Đồn, Yagi là cơn bão gây thiệt hại nặng nề nhất về tài sản cho người dân từ trước đến nay. (Ảnh tuoitre)

Hơn 1.000 quả phao và thuyền HDPE cùng 1 triệu rong giống là món quà của 3 đơn vị đang thực hiện nuôi biển tại Quảng Ninh. Với mong muốn hỗ trợ một phần để ngư dân có thể từng bước khôi phục sản xuất, bà Nguyễn Thị Hải Bình, đại diện một đơn vị tài trợ cho biết những chiếc thuyền HDPE mang tên “Hạnh Phúc” sẽ giúp ngư dân dễ dàng di chuyển vào những khu vực nhỏ để thuận lợi trong quá trình nuôi cấy hàu, trồng rong:

"Chúng tôi cũng đã nghiên cứu, cải tiến lên trên hệ thống sản xuất phao, sắp tới sẽ nâng cấp thiết kế sản phẩm phao để nuôi nhuyễn thể và trồng rong bằng cách là có tên các hộ dân, có tên các hợp tác xã trên phao. Để nếu xảy ra bão các cơn bão lớn có thể truy tìm được theo hồ sơ, có gắn thiết bị định vị, dò tìm dễ dàng, tránh thiệt hại cho bà con", bà Bình cho biết.

ho-tro-ngu-dan-quang-ninh-phuc-hoi-san-xuat-2-1727533382.jpg
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT và địa phương cùng đơn vị tài trợ trao tặng phao và thuyền HDPE cho ngư dân khôi phục sản xuất. (Ảnh VOV)

Để sớm khôi phục sản xuất, chính quyền và các doanh nghiệp đang cùng chung tay hỗ trợ bà con ngư dân, tỉnh Quảng Ninh cũng đã có những kiến nghị với trung ương về một số chính sách tín dụng, tín chấp, thế chấp bằng phương án sản xuất kinh doanh và hỗ trợ lãi suất thấp để các hộ kinh doanh dễ dàng tiếp cận nguồn vốn.

Ông Phan Thanh Nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Để tái sản xuất, chúng tôi tập trung vào 2 vấn đề chính.Thứ nhất là giao biển, đây là cơ sở pháp lý để bà con có thể thực hiện đầu tư trên khu vực biển được giao. Thứ 2 là về quy chuẩn nuôi biển, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh đề xuất UBND tỉnh, hiện nay đang thực hiện quy trình để sớm ban hành quy chuẩn để hướng dẫn bà con nuôi biển áp dụng”./.

Theo thống kê sơ bộ về thiệt hại do bão số 3 gây ra, Quảng Ninh có 29 người chết; 1.609 người bị thương được điều trị tại các cơ sở y tế; 4 người mất liên lạc... Thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 24.223 tỷ đồng. Trong đó, thành phố Hạ Long chịu thiệt hại nặng nề nhất, khoảng 8.765,1 tỷ đồng; huyện Vân Đồn khoảng 3.693,5 tỷ đồng; thành phố Uông Bí khoảng 3.200 tỷ đồng; thị xã Quảng Yên khoảng 2.305,8 tỷ đồng; thị xã Đông Triều 2.219.9 tỷ đồng; thành phố Cẩm Phả khoảng 1.127 tỷ đồng,...

Để khắc phục hậu quả thiệt hại do bão, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 đã nhất trí điều chỉnh dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2024, bổ sung 1.000 tỷ đồng chi cho khắc phục hậu quả của bão số 3 và mưa, lũ sau bão và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Bình Châu