Trên đây là những nội dung được thảo luận tại tọa đàm “Nghiên cứu khoa học: Đổi mới tư duy, sáng tạo để bứt phá” nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết 57/NQ-TW của Bộ Chính trị về đầu tư, thúc đẩy khoa học công nghệ do Bộ NN&PTNT tổ chức.
Nghị quyết 57/NQ-TW của Bộ Chính trị nâng chất ngành nông nghiệp
Buổi tọa đàm diễn ra với các diễn giả là chuyên gia hàng đầu đến từ các viện, trường thuộc Bộ NNPTNT, tập trung thảo luận 2 chủ đề: "Kỷ nguyên vươn mình của ngành nông nghiệp nhận thức và hành động từ đào tạo nguồn nhân lực cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số"; "Nghiên cứu khoa học: Đổi mới tư duy, sáng tạo để bứt phá".
Tại Tọa đàm, các nhà khoa học đánh giá, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về "Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" là một luồng gió mới, mang đến động lực mạnh mẽ cho các nhà khoa học và các tổ chức khoa học công nghệ.
Theo GS. TS. Phạm Bảo Dương - Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang cho biết, nhà trường hào hứng đón nhận Nghị quyết số 57-NQ/TW, coi đây như "chìa khóa" để thúc đẩy phát triển, đổi mới thành công từ nông nghiệp, qua đó giải phóng sức lao động.
Theo ông Dương, trước đổi mới, chúng ta thiếu đói, nhưng sau khi đổi mới, bằng cách tạo động lực cho người dân hăng hái sản xuất, khai hoang, tăng vụ, có nơi tăng tới 4 vụ lúa/năm, ngành nông nghiệp đã có sự bứt phá phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại dư địa để tăng diện tích không còn, muốn tăng sản lượng, chất lượng nông sản chúng ta phải có đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đây là cuộc cách mạng, đổi mới lần thứ hai mang lại sự phát triển.
Nêu ý kiến tại Tọa đàm, GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, đề xuất xem xét trao nhiều quyền hơn để các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính có thể chủ động trong triển khai các dự án nghiên cứu và ứng dụng công nghệ.
“Bên cạnh ứng dụng các công nghệ cao trong nông nghiệp, các cơ quan, tổ chức cần mở rộng hợp tác công - tư, tạo ra sự liên kết mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu. Thời gian tới, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam sẽ tập trung phát triển công nghệ gen để tạo ra giống cây rừng mới năng suất cao, chống chịu tốt các điều kiện biến đổi khí hậu. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhân giống cây rừng và đầu tư máy móc, trang thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen quý", GS.TS Võ Đại Hải cho biết.
Hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết 57, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, xác định 4 nội dung trọng tâm cần thực hiện. Cụ thể, tiếp tục rà soát và tổ chức lại bộ máy theo tinh thần của Nghị định 19; tăng cường giải pháp khai thác nguồn lực đầu tư; thay đổi năng lực quản trị trong các đơn vị và tập trung quản trị các sản phẩm khoa học và công nghệ để đảm bảo chất lượng và khả năng ứng dụng của các sản phẩm nghiên cứu trong thực tiễn.
“Để thực hiện những nội dung trên, các cơ quan, tổ chức cần bố trí công việc hợp lý, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ phát huy tối đa năng lực của mình. Nếu công việc chưa được thực hiện tốt, cần phải xem xét lại và có sự điều chỉnh hợp lý. Chỉ những cá nhân làm việc không hiệu quả mới cần phải rời đi, như vậy mới đảm bảo một môi trường làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả”, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn nói.
Cần đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ về thu hoạch và chế biến
PGS.TS Phạm Anh Tuấn - Viện trưởng Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cho biết Nghị quyết 57 đã tạo ra sự phấn khởi cho các nhà khoa học, đặc biệt chế biến là một trong những dư địa lớn để tăng giá trị, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.
Theo ông Tuấn, hiện nay tỷ lệ chế biến nông sản tinh sâu ở Việt Nam vẫn ở mức thấp, dưới 20%. Việc định hướng nghiên cứu ứng dụng trong bảo quản, chế biến với công nghệ ngang tầm thế giới sẽ giúp thúc đẩy việc gia tăng giá trị cho ngành nông nghiệp trong thời gian tới.
“Mặc dù công nghệ bảo quản thủy sản đã đạt được một số thành công, nhưng áp dụng trên quy mô lớn vẫn còn hạn chế. Vì vậy, cần đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ giảm tổn thất sau thu hoạch, đồng thời phát triển các nhà sơ chế phục vụ nguyên liệu chế biến và xuất khẩu. Trong lĩnh vực chế biến, không chỉ chú trọng vào chế biến chính phẩm mà ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất phế phẩm thành chính phẩm", PGS.TS Phạm Anh Tuấn nhận định.
Theo ông Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, KHCN đã được áp dụng mạnh mẽ trong ngành thủy sản, tạo ra nhiều con giống mới chất lượng cao như giống tôm sú, tôm chân trắng và cá biển.
Hiện nay, ngành thủy sản còn thiếu nguồn lực tham gia nghiên cứu khoa học trình độ cao, chưa được đào tạo bài bản, vì vậy, các viện, trường cần xem xét, cử nhân lực đi đào tạo nâng cao trình độ. Thời gian tới, các nhà khoa học và cơ quan nghiên cứu KHCN cần thay đổi tư duy, sẵn sàng mở lòng để liên kết, hợp tác cùng phát triển. Bên cạnh đó, xây dựng nhóm nghiên cứu sâu, phát triển thương hiệu cho nhóm nghiên cứu nói riêng và Viện nói chung.
Về định hướng, kế hoạch phát triển đột phá trong ngành thủy sản, PGS.TS Đặng Thị Lụa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I cho biết sẽ tập trung ứng dụng KHCN và công nghệ gen để tạo ra các giống thủy sản có giá trị, chất lượng cao, kháng bệnh. Tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu, kết hợp các phương pháp nuôi thâm canh, nuôi tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu.
PGS.TS Đặng Thị Lụa đề xuất tiếp tục phát triển nuôi biển, trong đó tập trung đa dạng loài nuôi và xây dựng chiến lược theo hướng tiếp cận doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để khai thác nguồn lợi và mở ra nhiều cơ hội mới cho xuất khẩu thủy sản./.