Tài khoản định danh điện tử và những điều cần biết

Tài khoản định danh điện tử đang được triển khai thực hiện theo Đề án 06, đến nay cơ quan Công an các địa phương đang tiến hành cấp tài khoản định danh điện tử (TKĐDĐT). Tuy nhiên, do chưa nắm rõ thông tin, nhiều người dân còn mơ hồ, chưa hiểu rõ TKĐDĐT là gì và tại sao, cũng như làm thế nào để được cấp tài khoản này.
1-1650267299.jpg
Ảnh minh hoạ.

Theo Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (Bộ Công an), TKĐDĐT là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an. Tài khoản này được quản lý và xác thực qua ứng dụng định danh điện tử quốc gia do Bộ Công an phát triển (VNeID).

Người dân sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ có những lợi ích như tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí vì không phải kê khai nhiều loại biểu mẫu, giảm nhiều khâu thủ tục khi thực hiện các giao dịch hành chính công.

Công dân có thể thay thế CCCD và các loại giấy tờ mà họ đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia như: giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế... Như vậy, khi người dân giao dịch hành chính sẽ giảm tối đa các giấy tờ phải mang theo.

Ngoài ra, công dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện và nước, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chuyển tiền... Khi sử dụng tài khoản này, người dân sẽ được bảo mật thông tin, tránh bị giả mạo, giúp các giao dịch được an toàn.

Theo quy định tại Điều 6 Quyết định 34/2021/QĐ-TTg đối tượng đăng ký tài khoản định danh điện tử gồm:

Đối với cá nhân từ đủ 14 tuổi trở lên đăng ký tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng định danh điện tử; Đối với cá nhân chưa đủ 14 tuổi thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ; Đối với người được giám hộ khác thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của người giám hộ.

Các thông tin cần khai báo được thực hiện trên thiết bị điện tử khi cá nhân đăng ký tài khoản định danh điện tử gồm: Số định danh cá nhân, số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế (đối với người nước ngoài); Họ, tên đệm và tên; Ngày, tháng năm sinh; Giới tính; Quốc tịch (đối với người nước ngoài); Số điện thoại, email.

Bộ Công an đã áp dụng nhiều giải pháp bảo mật và luôn cập nhật thường xuyên cho hệ thống định danh điện tử Quốc gia để đảm bảo an toàn dữ liệu cho công dân. Các dữ liệu trong suốt quá trình giao dịch được được bảo vệ qua nhiều lớp bảo mật và mã hóa bằng các thuật toán tiên tiến. Do đó, công dân có thể yên tâm thực hiện giao dịch và sử dụng các tính năng khác trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) đảm bảo an toàn bảo mật thông tin.

Ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) có nhiều tính năng như: Công dân khi thực hiện các dịch vụ công; Công dân có thể cung cấp, chia sẻ thông tin của mình với bên thứ 3 thông qua quét mã QR code; Công dân có thể thay thế căn cước công dân vật lý và các loại giấy tờ mà công dân đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia;…

Để đảm bảo an toàn cho tài khoản định danh điện tử của mình công dân cần chú ý: Không chia sẻ thông tin tài khoản cho người khác; Đăng xuất tài khoản khi cho người khác mượn thiết bị; Luôn cập nhật các thông tin về ứng dụng để nắm được các tin tức – thông báo mới nhất về các hướng dẫn an toàn thông tin.

Kể từ ngày 25/2/2022, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội đã triển khai cấp tài khoản định danh điện tử trên cả nước, thông qua nghiệp vụ cấp mới, đổi, cấp lại căn cước công dân cho những công dân có nhu cầu đăng ký sử dụng tài khoản định danh điện tử. Tính đến ngày 19-3-2022, Công an địa phương đã thu nhận được gần 40.000 hồ sơ cấp định danh điện tử của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Tạ Nhị (t/h)