Hà Nội khẳng định vị thế đứng đầu cả nước về thu ngân sách với gần 512 nghìn tỷ đồng

Báo cáo tại Hội nghị lần thứ 21 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội khóa XVII, Sở Tài chính Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, số thu ngân sách chính thức của Hà Nội năm 2024 là 511.928 tỷ đồng, khẳng định vị thế địa phương đứng đầu cả nước về thu ngân sách.

Sáng 21/1, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội khóa XVII tiến hành Hội nghị lần thứ 21 để xem xét nhiều nội dung: Báo cáo công tác xây dựng Đảng năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025; Dự thảo lần 2 Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ Thành phố; Báo cáo tổng kết công tác nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2020 – 2025; Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"…

kinh-te-ha-noi-1-1737432588.jpg
Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội khóa XVII tiến hành Hội nghị lần thứ 21 để xem xét nhiều nội dung.

Hội nghị do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì.

Hà Nội đứng đầu cả nước về thu ngân sách năm 2024

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII tiến hành Hội nghị lần thứ 21 họp bàn, cho ý kiến về 7 nội dung quan trọng.

Cụ thể, Báo cáo công tác xây dựng Đảng năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 của Thành ủy; Báo cáo kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo năm 2024 của Ban Thường vụ Thành ủy; Báo cáo công tác tài chính của Đảng bộ thành phố Hà Nội năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố sẽ họp bàn cho ý kiến về Dự thảo lần 2 Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030; Báo cáo tổng kết công tác nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025; Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Hội nghị cũng sẽ thực hiện nội dung đánh giá, xếp loại Đảng bộ thành phố Hà Nội năm 2024.

kinh-te-ha-noi-2-1737432649.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu khai mạc hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu cho biết, đến thời điểm này, số thu ngân sách chính thức của Hà Nội năm 2024 là 511.928 tỷ đồng. Cũng theo Giám đốc Sở Tài chính, theo số công bố này của Sở Tài chính và theo Bộ Tài chính, Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về thu ngân sách.

Trong đó, thu nội địa của Hà Nội là 481.502 tỷ đồng, chiếm 28,2% tổng khu nội địa cả nước. Số liệu chính thức trong quá trình rà soát và thu phí khu vực đã được các cơ quan thống nhất.

Thành phố đã hoàn thành nhiều công việc quan trọng mang tính chiến lược

Trình bày báo cáo về kết quả công tác xây dựng Đảng năm 2024, Trưởng ban Tổ chức Thành uỷ Vũ Đức Bảo cho biết, năm 2024, Thành phố đã hoàn thành nhiều công việc quan trọng mang tính chiến lược để tạo tiền đề cho sự phát triển của Thủ đô giai đoạn tới, như: Luật Thủ đô năm 2024 được Quốc hội thông qua với những cơ chế vượt trội để phát triển; 2 Quy hoạch Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Kinh tế Thủ đô tiếp tục phục hồi. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng bền vững (tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, đặc biệt là thu từ du lịch và các hoạt động văn hóa); các hoạt động sản xuất, kinh doanh; quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực; hạ tầng đô thị được duy trì tốt; các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, chất lượng giáo dục được giữ vững; an sinh xã hội được đảm bảo; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Chủ động công tác ứng phó và quyết liệt triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả do cháy nổ, bão, mưa lũ. Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được triển khai hiệu quả.

Thành phố tập trung cụ thể hóa, quán triệt thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố về xây dựng Đảng, công tác cán bộ. Triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm, những nhiệm vụ có tính chất chiến lược liên quan đến sự phát triển của Thủ đô như: triển khai Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Nghị quyết 1286/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP. Hà Nội giai đoạn 2023 – 2025. Theo đó, từ 1/1/2025, TP Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 53 đơn vị), gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.

Công tác lãnh đạo của cấp ủy về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh được quan tâm sâu sát, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vượt qua khó khăn, thách thức, đảm bảo cuộc sống bình yên cho Nhân dân Thủ đô.

Thành phố cũng chủ động chỉ đạo công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVIII. Lãnh đạo tổ chức thành công Đại hội MTTQ Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP Hà Nội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024 - 2029, Đại hội thi đua "CCB gương mẫu" giai đoạn 2019 - 2024, sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ nhiệm kỳ 2021- 2026.

kinh-te-ha-noi-3-1737432684.jpg
Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình hội nghị.

Ngoài ra, công tác cải cách hành chính trong Đảng và chuyển đổi số trong hệ thống chính trị được quyết liệt chỉ đạo, triển khai ứng dụng các phần mềm trong các hoạt động tác nghiệp và nhiệm vụ chuyên môn; chỉ đạo xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm tích hợp dữ liệu của Đảng bộ TP bước đầu đáp ứng yêu cầu khai thác và sử dụng.

Cụ thể, năm 2024, đã thành lập được 104 tổ chức đảng (đạt 115,56%); kết nạp được 1.024/903 đảng viên mới, trong đó có 13 chủ DN tư nhân. Đến nay, tổng số tổ chức đảng trong các DN ngoài Nhà nước 2.482 tổ chức đảng. Toàn TP đã củng cố được 18/20 TCCSĐ diện Ban Chỉ đạo cấp TP và cấp huyện theo dõi, còn lại 2 TCCSĐ chuyển năm 2025 tiếp tục theo dõi.

Thành phố cũng triển khai tới 50 đảng bộ trực thuộc Thành ủy và 579 xã phường, thị trấn sử dụng phần mềm "Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên" phiên bản Online và 2.560 đảng bộ, chi bộ cơ sở sử dụng phiên bản offline; thực hiện chuẩn hóa dữ liệu của đảng viên và 3.284 tổ chức đảng trên phần mềm.

Ban Thường vụ Thành ủy triển khai 1 cuộc kiểm tra đối với 48 tổ chức đảng, 14 đảng viên và 2 cuộc giám sát đối với 15 tổ chức đảng, 11 đảng viên . Các cấp ủy cấp dưới kiểm tra đối với 1.472 lượt tổ chức đảng và 1.051 đảng viên; giám sát đối với 1.072 lượt tổ chức đảng và 1.261 đảng viên.

Phấn đấu tăng trưởng 10,5 - 11% trong giai đoạn 2025 - 2030

Trình bày dự thảo Báo cáo, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản cho biết, với những giải pháp trọng tâm của Thủ đô trong giai đoạn 2025 - 2030, Đảng bộ thành phố quyết tâm thực hiện các giải pháp tăng tốc, bứt phá phát triển. Trong đó, Đảng bộ thành phố xác định phấn đấu đạt mức tăng trưởng 10,5 - 11%, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và thực hiện các giải pháp đột phá, tạo các động lực tăng trưởng mới.

Đồng thời, thành phố tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025 với tinh thần lấy đầu tư công dẫn dắt, thu hút đầu tư xã hội, thúc đẩy hợp tác công tư; kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, có đẳng cấp, hiện đại, tăng cường quảng bá, thu hút khách du lịch quốc tế và trong nước. Hà Nội cũng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - xác định là đột phá quan trọng hàng đầu, động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại; số hóa toàn diện các hoạt động quản lý nhà nước, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số…

kinh-te-ha-noi-4-1737432714.jpg
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản trình bày dự thảo báo cáo tại hội nghị.

Phấn đấu đến năm 2030, công nghiệp Thủ đô có các nhóm ngành/sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo hiện đại, chuyên môn hóa cao, gắn với phát triển ổn định và bền vững. Hà Nội trong nhóm đứng đầu cả nước về phát triển khoa học, chuyển giao công nghệ và ứng dụng công nghệ cao trong ngành công nghiệp; giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp, chuyển sang các sản phẩm theo hướng “Make in Viet Nam” - sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam…

Sau gần 40 năm triển khai đường lối đổi mới của Đảng, Hà Nội đã đạt được những thành tựu quan trọng. Kinh tế Thủ đô từ nền kinh tế bao cấp theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung đã từng bước chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, liên tục đạt nhịp độ tăng trưởng cao. Vị thế Thủ đô trên trường quốc tế được nâng cao./.

Bình Châu