Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ nước ngoài 51 tỷ USD

Ngày 12/4, Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ vì không trả được khoản nợ nước ngoài lên tới 51 tỷ USD và đang chờ gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
sri-lanka-defaulted-on-all-foreign-loans-china-largest-stakeholder-715x375-1649760747.jpg
Người dân ở Sri Lanka tụ tập biểu tình 

Sau nhiều tuần bất ổn về kinh tế, giới chức Sri Lanka đã ra thông báo vào hôm nay (12/4) rằng họ sẽ không trả được nợ nước ngoài - lên tới 51 tỷ USD - sau khi hết ngoại hối để nhập khẩu và họ đang trong thời gian chờ gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Quốc gia này đang phải vật lộn với cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập từ Vương quốc Anh vào năm 1948. Tình trạng mất điện thường xuyên, thiếu thốn lương thực và nhiên liệu trầm trọng đã ảnh hưởng tới đời sống của 22 triệu người dân, dẫn đến những cuộc biểu tình kéo dài hàng tuần để yêu cầu Tổng thống từ chức. Nền kinh tế đã rơi vào tình trạng tồi tệ kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, kéo theo sự suy giảm của ngành du lịch.

Bộ Tài chính Sri Lanka cho biết, "chính sách của Chính phủ Sri Lanka sẽ tạm dừng việc trả nợ thông thường, sẽ áp dụng cho các khoản nợ bị ảnh hưởng tồn đọng vào ngày 12/4/2022". Chính sách này sẽ có hiệu lực đối với tất cả các trái phiếu quốc tế, các khoản vay song phương, các khoản vay ngân hàng thương mại và các khoản vay từ tổ chức cho vay. Bộ nói thêm rằng việc vỡ nợ trước mắt là để đảm bảo "đối xử công bằng và bình đẳng đối với tất cả các chủ nợ".

Sri Lanka đã tìm cách xóa nợ từ Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng thay vào đó cả hai quốc gia này đưa ra nhiều hạn mức tín dụng hơn để Sri Lanka mua hàng hóa từ họ.

Các cơ quan xếp hạng quốc tế đã hạ thứ hạng của Sri Lanka vào năm ngoái, ngăn chặn việc nước này tiếp cận thị trường vốn nước ngoài để huy động các khoản vay cần thiết nhằm tài trợ cho nhập khẩu.

Thế Mạc (t/h)