Sớm thiết lập mạng lưới PGS quốc gia

PGS là hệ thống đảm bảo có sự tham gia, hay nói cách khác là hệ thống chứng nhận có sự tham gia được Liên đoàn các phong trào nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM) phát triển dành cho người sản xuất quy mô nhỏ.

PGS kể từ khi được IFOAM khởi xướng năm 2004, với sự tham gia của 40 nước hầu hết từ khu vực châu Mỹ la tinh và châu Âu, đến nay đã có 77 nước đang áp dụng với 235 PGS được hình thành ở cả các nước phát triển và đang phát triển như một sáng kiến giúp nông dân nhỏ tiêu thụ sản phẩm.

Tham gia PGS, năng lực sản xuất, tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của nông dân được tăng lên, thúc đẩy mạnh mẽ sự tham gia của các bên liên quan vào trong các hoạt động cộng đồng của địa phương.

278587336-10160228134973322-8021653626098288021-n-1650329461.jpg
PGS Việt Nam tổ chức hội nghị thường niên. Trong ảnh, là hội nghị thường niên tổ chức năm 2012

PGS đầu tiên tại Việt Nam ra đời khi nào

Bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban điều phối PGS Việt Nam cho hay: PGS đầu tiên tại Việt Nam được thiết lập vào cuối năm 2008 trong một dự án lớn kéo dài 7 năm thực hiện bởi tổ chức NGO Đan Mạch (ADDA) và Hội nông dân Việt Nam, khi những nhóm nông dân hữu cơ tại Sóc Sơn (Hà Nội) và Lương Sơn (Hòa Bình) trong vùng dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ bắt đầu có những sản phẩm đầu tiên cần tiếp cận thị trường.

Trong bối cảnh người tiêu dùng đang bị khủng hoảng niềm tin, nhà nước chưa có bất kỳ chính sách hay quy định cụ thể nào cho nông nghiệp hữu cơ, cùng một hệ thống chứng nhận hữu cơ còn bỏ ngỏ, nông dân sẽ không muốn tiếp tục sản xuất dù là hữu cơ hay an toàn nếu họ không thể bán được sản phẩm.

Và, PGS như một sáng kiến được các bên liên quan trong dự án lựa chọn vận dụng, cùng sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự tham gia của các nhà bán lẻ, các bên liên quan khác…, hơn tất cả là sự tham gia trực tiếp của người nông dân vào sâu trong chuỗi sản phẩm.

“Dự án đã phát triển tiêu chuẩn hữu cơ PGS trình IFOAM, đăng ký thành viên của IFOAM dưới tên PGS Việt Nam, phát triển logo nhận diện đăng ký bảo hộ của nhà nước Việt Nam cùng các quy định quản trị khác, giúp kết nối các sản phẩm hữu cơ của nông dân PGS ra thị trường, tạo động lực cho nông dân duy trì sản xuất”, bà Nhung cho biết thêm.

Sức mạnh PGS Việt Nam

Theo bà Nhung, tính đúng đắn của PGS ngày càng được khẳng định khi hệ thống vẫn duy trì các hoạt động của mình với sự tham gia trực tiếp của nông dân và các doanh nghiệp cùng sự hỗ trợ của các bên liên quan ngay cả khi dự án kết thúc.

Qua đó, tính bền vững của hệ thống sẽ được đảm bảo khi xuất phát từ mong muốn thực sự của người sản xuất; được dẫn dắt bởi những cá nhân, tổ chức dám chịu trách nhiệm và được vận hành bởi những người cùng chung chí hướng. PGS mang giá trị cốt lõi vì cộng đồng đã hấp dẫn các tổ chức NGO quốc tế và địa phương ứng dụng trong các dự án phát triển của mình.

page-1650329535.jpg
Ông Soren Thorndal Jorgensen, Chủ tịch Tổ chức ADDA Đan Mạch chụp ảnh cùng với các đại biểu tại gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hòa Bình

Trước những lợi ích của PGS khi vận dụng để tổ chức nông dân áp dụng phương pháp sản xuất tốt và kết nối sản phẩm ra thị trường, nhiều tỉnh, nhiều dự án đã tận dụng thế mạnh và nguồn lực địa phương thiết lập PGS để quản lý chất lượng có sự tham gia của cộng đồng.

Nhiều PGS mới đang hình thành tại các tỉnh như Tuyên Quang, Cao Bằng, Huế, Quảng Nam, Bến Tre, Hòa Bình, Sơn La, Bắc Kạn… cho thấy PGS đã làm tăng độ tin cậy trong cộng đồng và tiếp tục lan tỏa ra nhiều tỉnh thành.

Bà Nhung cho biết thêm, sau 14 năm kể từ khi PGS Việt Nam đầu tiên được hình thành, đến nay có thêm 17 PGS xuất hiện ở 13 tỉnh. Hình thành một mạng lưới nông dân rộng hơn cần được thống nhất để định hướng tốt, có tổ chức và có kỷ luật để sản xuất thêm nhiều sản phẩm hơn, đa dạng, mang đậm bản sắc của từng vùng miền được chia sẻ xa hơn tới các thị trường của địa phương khác.

Liên kết các PGS địa phương với nhau

Trong xu thế nông nghiệp hữu cơ được hưởng ứng mạnh mẽ trên toàn cầu. Những thông tin về vấn đề sức khỏe đã kích thích nhu cầu tìm kiếm thực phẩm hữu cơ ngày càng cao.

Sản phẩm hữu cơ trong PGS Việt Nam được khách hàng chấp nhận và tin tưởng đã tạo một cơ hội lớn cho các PGS địa phương khác. Các chính sách nông nghiệp hữu cơ được nhà nước ban hành khuyến khích nông dân tham gia vào PGS; các tỉnh, thành hưởng ứng mạnh mẽ, đã xuất hiện thêm nhiều sản phẩm hữu cơ tự phát không chuẩn mực, tạo ra một thị trường không lành mạnh làm cho người tiêu dùng mất phương hướng.

Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam trong tình hình mới khi xuất hiện thêm nhiều PGS địa phương, đã có chủ trương liên kết các PGS trên toàn quốc thành mạng lưới thống nhất, hỗ trợ phát triển đảm bảo phù hợp với giá trị cốt lõi của PGS và thích ứng với các điều kiện đặc thù của mỗi địa phương.

Thống nhất các PGS, sẽ tập trung sức mạnh của mỗi vùng miền, giúp nông dân mở rộng sản xuất, tiếp cận rộng hơn các sản phẩm hữu cơ được kiểm soát tới các thị trường xa hơn.

“Việc củng cố các mạng lưới PGS địa phương để thống nhất trong một mạng lưới PGS quốc gia, được chính thức hóa, sẽ nâng cao tiếng nói và sức mạnh của nông dân nhỏ, tạo cơ hội vận động tốt hơn các chính sách hỗ trợ sinh kế của nông dân ở từng vùng miền”, bà Nhung chia sẻ.

Theo bà Nhung, để thực hiện được chủ trương này, dự án “Tăng cường năng lực cho nông dân quy mô nhỏ qua việc thống nhất mạng lưới PGS hữu cơ tại Việt Nam” sẽ được VOAA thực hiện trong 3 năm (2022 – 2024).

Dự án sẽ giúp các PGS địa phương kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực và kỹ năng quản lý vận hành cho các PGS, phù hợp và hài hòa trong một mạng lưới PGS quốc gia, nơi sẽ kết nối và hỗ trợ cho các PGS địa phương hoạt động hiệu quả trong ngôi nhà chung VOAA.