Bỉ và Đan Mạch sẽ trao đổi điện gió ngoài khơi vào năm 2030

Ý tưởng về việc kết nối năng lượng xanh giữa Bỉ và Đan Mạch đang dần trở thành hiện thực khi Bộ trưởng Năng lượng liên bang Bỉ, Tinne Van der Straeten và người đồng cấp Đan Mạch Dan Jørgensen hôm 23/11 đã ký một biên bản ghi nhớ hợp tác tại Copenhagen. Theo đó, một tuyến cáp ngầm sẽ kết nối hai hòn đảo năng lượng ngoài khơi bờ biển của Bỉ và Đan Mạch để trao đổi điện xanh do các tuabin gió ngoài khơi sản xuất.

Theo dự kiến, đến năm 2030, một tuyến cáp ngầm truyền tải điện dài hơn 600 km, có tên gọi Triton Link, sẽ giúp lưu thông dòng điện theo hai chiều do các tuabin gió ngoài khơi giữa hai hòn đảo năng lượng ở Biển Bắc sản xuất và chuyển vào đất liền. Đảo năng lượng của Bỉ sẽ nằm ở trung tâm của trang trại điện gió ngoài khơi thứ hai mà chính phủ liên bang dự định phát triển ở khu vực Princess Elisabeth, ngoài khơi biển La Panne.

Elia, nhà điều hành mạng lưới truyền tải điện cao áp (GRT) sẽ chịu trách nhiệm thí điểm dự án. Đồng thời, Elia cũng ký kết hợp tác theo hướng này với công ty Đan Mạch Energinet.

Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ mà Elia và Energinet tiến hành, dự án này sẽ là một thách thức về công nghệ nhưng có thể đạt được. Hai đối tác sẽ tiếp tục thực hiện các kế hoạch và xác định cụ thể việc kết nối như tuyến đường, điểm đặt cáp và vị trí của các trạm chuyển tiếp. Quyết định đầu tư và thực hiện cuối cùng sẽ dựa trên những báo cáo này. Việc xây dựng tuyến cáp Triton Link dự kiến sẽ mất khoảng 4 năm và hoàn thành vào khoảng năm 2030.

Đây là dự án đầu tiên trên thế giới trong lĩnh vực trao đổi điện gió ngoài khơi. Theo ông Chris Peeters, phụ trách dự án, chi phí ước tính từ 900 triệu euro (1,01 tỷ USD) đến 1,2 tỷ euro (1,34 tỷ USD) cho một cáp công suất 1,4 GW.

dien-gio-1637845970.jpg
Điện gió ngoài khơi. Ảnh minh họa

Đánh giá về thỏa thuận này, Bộ trưởng Năng lượng liên bang Bỉ, Tinne Van der Straeten nhấn mạnh Đan Mạch và Bỉ đều dẫn đầu thế giới về năng lượng gió ngoài khơi. Với những hòn đảo năng lượng và sự kết nối hỗn hợp, hai quốc gia đang biến Biển Bắc thành một nhà máy điện tái tạo lớn. Bỉ và Đan Mạch sẽ được tiếp cận trực tiếp với một lượng lớn năng lượng tái tạo giá rẻ, cần thiết cho việc vận hành phương tiện giao thông và sưởi ấm, khử cacbon trong ngành công nghiệp vốn sử dụng nhiều năng lượng và đạt được các mục tiêu về khí hậu của châu Âu. Giá điện gió giảm mạnh sẽ tác động tích cực đến giá tiêu dùng. Elia ước tính rằng Triton Link sẽ giảm 4 tỷ tấn khí thải CO2 hàng năm, tương đương với lượng khí thải của 1,2 triệu xe hơi.

Hồi giữa tháng Mười vừa qua, Chính phủ Bỉ đã công bố ý định tăng công suất tối đa của trang trại điện gió ngoài khơi Princess Elisabeth trên biển Bắc từ 2,1 lên 3,5 GW với các tuabin đầu tiên sẽ bắt đầu hoạt động kể từ đầu năm 2027. Chính vì vậy tại khu vực này sẽ xây dựng đảo năng lượng với chi phí khoảng 1 tỷ euro. Ở đầu kia của Triton Link, trang trại điện gió của Đan Mạch, nằm cách bờ biển 80 km, sẽ có công suất 3 GW vào năm 2030, và thậm chí có thể tăng lên 10 GW sau đó. Ngoài các tuabin gió và tuyến cáp Bỉ-Đan Mạch, Bỉ dự kiến sẽ xây dựng trên trang trại điện gió này hệ thống liên kết điện thứ hai kết nối với Vương quốc Anh (Nautilus).

Tuyến cáp ngầm Triton Link sẽ cho phép Bỉ và Đan Mạch cung cấp điện cho nhau. Theo Bộ trưởng Tinne Van der Straeten, nhờ sự kết nối hỗn hợp, năng lượng xanh từ các trang trại điện gió ngoài khơi có thể được truyền theo cả hai hướng. Nếu cáp chỉ được sử dụng để đưa năng lượng gió vào đất liền thì tỷ lệ sử dụng sẽ vào khoảng 45%. Bằng cách biến chúng thành một kết nối giữa hai quốc gia, tỷ lệ sử dụng tăng lên 90%, do đó làm tăng lợi nhuận của các trang trại năng lượng gió.

Trong một nghiên cứu về tính trung lập của carbon được công bố mới đây, không bao gồm việc sử dụng năng lượng hạt nhân, Elia đã chỉ ra rằng vào năm 2050, theo một kịch bản tốt nhất, Bỉ sẽ chỉ có thể sản xuất được hơn một nửa lượng điện mà họ cần. Do đó, việc kết nối với các nước châu Âu xuất khẩu điện xanh sẽ rất cần thiết để bù đắp cho sự thiếu hụt sản xuất trong nước./.